Dec 29, 2018

Luật An ninh mạng cấm những hành vi nào từ năm 2019?

Từ 1/1/2019, việc sử dụng không gian mạng để đăng trái phép bí mật cá nhân, xuyên tạc lịch sử, kích động gây bạo loạn... là vi phạm pháp luật.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cấm kích động người khác phạm tội 
Điều 8 nêu rõ "nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thông tin các nội dung" sau:
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, xúc phạm dân tộc, quốc kỳ…; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
- Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng như kêu gọi tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ.
- Làm nhục, vu khống như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội bằng không gian mạng.
- Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật.
- Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như thông tin sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa…; thông tin sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…
- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.
- Thông tin hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
- Cố ý xóa, làm hư hỏng, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước; bí mật kinh doanh, cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, kinh doanh, cá nhân và đời sống riêng tư.
- Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.
Cấm lợi dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền
Điều 8, 17 nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi sau:
- Sản xuất, đưa vào sử dụng phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
- Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng; lợi dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia;..
- Thực hiện tấn công, khủng bố mạng; làm sai lệch, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép.
- Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.
Chế tài xử lý
Theo điều 9, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật An ninh mạng định nghĩa: An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Quốc phòng trong bảo vệ an ninh mạng.
Ban Cơ yếu Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng đều có trách nhiệm thi hành Luật này.
Nguồn: VnExpres


Dec 24, 2018

“Bản yêu sách 8 điểm năm 2019 của dân Việt” - trò tiếm danh nhăng cuội của các nhà dâm chủ

Tre Việt - Ngày 19-12-2018, xuất hiện cái gọi là: “Bản yêu sách 8 điểm năm 2019 của dân Việt”, được nhiều trang mạng chống phá Việt Nam đăng tải với các tiêu đề: “NGƯỜI DÂN đưa Bản yêu sách tám điểm đòi quyền căn bản” (RFA); Yêu sách tám điểm năm 2019 của NGƯỜI DÂN Việt Nam (baoquocdan.org), v.v. Đây thực chất là trò tiếm danh nhăng cuội của các đối tượng bất mãn, thù địch hòng tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Việt Nam.

Sự nhăng cuội được thể hiện trước hết ở chỗ: với chỉ một nhóm người, toàn những gương mặt có “thâm niên” chống phá đất nước, như: Nguyễn Quang A, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng,… chúng “vẽ” ra và phát tán “bản yêu sách” này nhưng lại dám nhân danh hơn 90 triệu NGƯỜI DÂN Việt Nam. Chúng mơ hồ đề nghị Liên hợp quốc và các nước đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của “người dân Việt Nam” để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách của chúng được đáp ứng thuận lợi! Trò tiếm danh này chẳng có gì là lạ và chắc chắn sẽ không thể lừa được ai. Có chăng là để bọn chúng “tự sướng” với nhau mà thôi!
Thứ hai, nội dung bản yêu sách vẫn là những luận điệu cũ rích mà chúng ra rả kêu gào suốt thời gian qua, như: đòi trả tự do cho những kẻ vi phạm pháp luật, muốn lật đổ chính quyền, bán nước, hại dân - những đối tượng mà chúng gắn cho cái mác là “tù nhân lương tâm”; tư nhân hóa báo chí; phi chính trị hóa trường học, v.v. Nhìn vào các “yêu sách” này, những người dân yêu nước chân chính hoàn toàn có thể nhận thấy đó không phải là để “đưa nước Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, và nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang,…” như chúng rêu rao, mà ngược lại, nếu thực hiện các yêu sách đó thì chúng ta sẽ MẤT NƯỚC trong “một nốt nhạc”!

Thứ ba, nhóm người này dựa vào bản “Yêu sách của dân tộc An Nam” cách đây 100 năm để soạn ra “yêu sách năm 2019”. Đây là chiêu trò chơi chữ, đánh tráo khái niệm nhằm thay đổi bản chất của sự việc. Chúng tưởng rằng như thế sẽ có thể đánh lừa được thiên hạ. Nhưng chúng không biết rằng, khi lợi dụng những giá trị thiêng liêng, cốt lõi của dân tộc để làm những điều đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc thì chúng sẽ nhận đòn “gậy ông đập lưng ông”. Bộ mặt thật của những kẻ bán nước sẽ càng lộ rõ và chắc chắn chúng sẽ nhận được những bài học từ nhân dân yêu nước chân chính!

Dec 23, 2018

Kết quả giảm nghèo đa chiều cho thấy, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn

            

Tre Việt - Ngày 19-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức công bố báo cáo đầu tiên phân tích sâu về nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho mọi người.
Báo cáo khẳng định những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016 - với khoảng sáu triệu người đã thoát nghèo. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng chín bậc so với xếp hạng năm 2017.
Theo UNDP, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống, v.v.
Kết quả trên cho thấy, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Thực tiễn đó cũng bác bỏ những xuyên tạc của các thế lực có thâm thù với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, là lời cảnh tỉnh cho những ai nhẹ dạ cả tin nghe theo lời súy giục của chúng để gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chính mình./.

Dec 10, 2018

Trông người lại nghĩ đến ta


Kết quả hình ảnh cho biểu tình ở pháp
Biểu tình ở Pháp trong những ngày qua

Tre Việt - Từ tình hình biểu tình ở nước Pháp đang diễn ra, cho thấy việc cần thiết phải quản lý chặt chẽ mạng xã hội theo quy định của pháp luật, để có môi trường internet “sạch”, phục vụ người dân, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Những tuần gần đây, hàng trăm nghìn người dân Pháp đã tập hợp để phản đối chính sách năng lượng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Phong trào được gọi là “áo vàng”, hay “áo gile vàng” được đặt tên từ những chiếc áo khoác hay áo gile màu vàng mà những người lái xe Pháp phải mặc khi lái xe. Phong trào này bắt đầu từ ngày 17/11 vừa qua ở những khu vực nông thôn và vùng ngoại ô. Quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ Pháp chính là chất xúc tác cho cuộc biểu tình. Nó lan truyền nhanh chóng là nhờ mạng xã hội; trong đó facebook có vai trò đặc biệt quan trọng và phong trào này đã lan sang các nước châu Âu khác.
Tại Pháp, có hơn 280.000 người tham gia phong trào biểu tình có tên “áo Vàng”. Ban đầu chỉ để phản đối giá nhiên liệu của Chính phủ đã biến thành các  cuộc bạo loạn. Theo đó, có 400 người đã bị thương trong khoảng 2.000 cuộc tuần hành, một người thiệt mạng khi bị ô tô cán qua. Phong trào này tự thành lập qua mạng xã hội từ tháng 5 năm nay (ban đầu là một cuộc kêu gọi lấy chữ ký vào đơn kiến nghị), song đến nay, phong trào “áo Vàng” đã vượt tầm kiểm soát.
Hai tuần trước, hơn 1.500 sự kiện có liên quan tới phong trào “áo Vàng” được kêu gọi qua facebook và tổ chức theo quy mô địa phương, thu hút tới ¼ dân số Pháp. Những “nhà tư tưởng” tự phong trở thành những nhân vật nổi tiếng trên cả nước, nhờ các trang mạng xã hội và hàng loạt đoạn ghi hình trực tuyến được chia sẻ trên facebook. Việc facebook cho phép các bài đăng của các tổ chức và các nhóm xuất hiện trên News Feed (mục tin tức nổi bật) đã thu hút nhiều người tương tác. Chỉ vài tháng sau, phần lớn người dùng facebook tại Pháp cảm nhận được làn sóng giận dữ và u tối về đất nước trên mạng xã hội hơn là những gì diễn ra trên thực tế. Suy nghĩ đã trở thành hiện thực làm cho các cuộc biểu tình lan rộng hơn và thủ đô Pari chìm trong khói lửa.
Từ tình hình trên của nước Pháp lại nghĩ về nước ta, cho thấy, việc đưa Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua vào cuộc sống từ tháng 01/2019 tới đây là cần thiết. Và không chỉ Việt Nam ta, Thái Lan cũng đã ban hành dự thảo luật an ninh mạng của nước này, để quản lý mạng xã hội. Nói cách khác, các nước đều nhận thấy không thể “phi chính trị hóa” mạng xã hội trước sự phát triển bão táp của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Dec 8, 2018

Báo cáo quốc gia UPR đề cập tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Ngày 6-12, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những nội dung chính trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Vừa qua, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Dự kiến ngày 22-1-2019 Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR tại Hội đồng Nhân quyền.
Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được tiến hành định kỳ từ bốn đến 5 năm một lần theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng. Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn nghiêm túc trong xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như trong triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp nhận ở chu kỳ I (2009) và chu kỳ II (2014).
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát trước, cập nhật luật pháp và chính sách liên quan quyền con người, thông tin về những kết quả bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực và rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận ở chu kỳ II. Báo cáo cũng xác định những ưu tiên cam kết của Việt Nam trong thời gian tới.
Tính đến tháng 10-2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 trong số 182 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận ở chu kỳ II (chiếm 96,2%). Bảy khuyến nghị còn lại đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Báo cáo đề cập một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi ban hành mới hơn 90 văn bản luật có liên quan việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15 đến 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. 38% số người dân tộc ít người dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%). 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Về bình đẳng giới, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 27,8%, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,71%.
Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cũng đạt nhiều thành tựu, trong đó có bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do báo chí, tự do in-tơ-nét… Ðời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hơn 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo".
Nguồn: http://www.nhandan.com

Dec 5, 2018

Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị về bảo vệ nhân quyền

Trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3, Việt Nam khẳng định coi trọng cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), nghiêm túc triển khai các khuyến nghị UPR của các nước.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ 3 diễn ra sáng 3-12 tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu đánh giá tích cực những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Nhiều chính sách mới bảo đảm quyền con người được ban hành
Bà Caitlin Wiesen, Quyền trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, ngày 3-12 là Ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT) và đây là vấn đề quan trọng đối với cả UNDP cũng như Chính phủ Việt Nam. Bà khẳng định: “Chúng tôi rất hài lòng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của NKT năm 2015. Điều này cho thấy cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ những quyền này”. Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ 3 cũng khẳng định những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm các quyền của NKT, bao gồm việc thành lập Ủy ban Quốc gia về NKT năm 2015, ban hành nhiều chương trình, đề án liên quan đến NKT…
Quang cảnh cuộc hội thảo.
Báo cáo cũng nêu bật những tiến bộ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (QCN) kể từ lần rà soát chu kỳ 2, nhấn mạnh việc này được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược cải cách tư pháp cũng như quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận. Báo cáo đánh giá kể từ lần rà soát chu kỳ 2, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện về mặt pháp luật, thể chế, chính sách về QCN, tạo nền tảng vững chắc mang lại những kết quả thực tiễn đáng khích lệ.
Theo báo cáo, kể từ lần rà soát chu kỳ 2, nhiều chính sách mới quan trọng đã được ban hành với mục tiêu để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ QCN, đặc biệt là nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động. Cụ thể, chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 khẳng định nỗ lực xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Cùng với đó là những nỗ lực hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới…
Về thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế về QCN, kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã phê chuẩn thêm hai công ước về QCN: Công ước về Quyền của NKT và Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Như vậy, hiện Việt Nam là thành viên của 7/9 công ước quốc tế cơ bản về QCN. Theo báo cáo, Việt Nam đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập Công ước về Người mất tích cưỡng bức và Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ.
Đặc biệt, báo cáo cũng nêu bật những thành tựu đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy QCN trên thực tế, bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, như: Các quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do hội họp…; thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, việc làm, bảo đảm nước sạch, chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở cho người nghèo…
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu nêu trên vẫn còn những thách thức đáng kể được chỉ ra trong báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 3. Cụ thể là những tồn tại về khuôn khổ pháp lý, nguồn lực và chính sách nhằm thúc đẩy và bảo đảm các QCN, nhất là đối với các nhóm yếu thế trong xã hội.
Báo cáo cũng đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng tốt hơn các quyền cơ bản của mỗi người dân. Trong đó, nhấn mạnh ưu tiên cao nhất của Việt Nam là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật củng cố các nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy QCN.
Việt Nam coi trọng các cam kết theo cơ chế UPR
Theo bà Caitlin Wiesen, quy trình rà soát theo UPR qua các chu kỳ được thực hiện 4 năm rưỡi một lần. Đây là một quy trình quan trọng để chứng tỏ sự tiến bộ của các nước qua các chu kỳ trong lĩnh vực bảo đảm QCN. Nếu không, các khuyến nghị giống nhau sẽ tiếp tục được nhắc lại trong các chu kỳ tiếp theo. Và giai đoạn thực hiện các khuyến nghị chính là giai đoạn quan trọng nhất trong quy trình rà soát, cho thấy chính phủ đó tích cực có các biện pháp để bảo vệ nhân quyền như thế nào.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, tính riêng tại UPR chu kỳ 2, Việt Nam đã chấp thuận 182/227 khuyến nghị nhận được. Tính đến tháng 10-2018, Việt Nam đã thực hiện 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%); trong đó, 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn thành, 16 khuyến nghị đã được thực hiện một phần và đang tiếp tục thực hiện. 7 khuyến nghị còn lại đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. Không có khuyến nghị nào đã được chấp thuận mà chưa được xem xét thực hiện. Để triển khai các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành cũng có nhiều sáng kiến để triển khai các khuyến nghị trong lĩnh vực mình phụ trách.
Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác động tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về QCN, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề QCN. “Đây cũng chính là nguyên nhân, đồng thời là động lực để Việt Nam tiếp tục coi trọng và nghiêm túc thực hiện các cam kết theo cơ chế UPR”, ông Giang khẳng định.
Bà Caitlin Wiesen cho rằng, bằng việc tăng cường các cơ chế quốc gia về báo cáo, thực hiện và giám sát, Việt Nam có thể cho thấy có khuôn khổ luật pháp và thể chế phù hợp, hiệu quả để thực hiện toàn bộ các khuyến nghị từ tất cả các cơ chế QCN.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 3 trước Hội đồng Nhân quyền LHQ trong tháng 1-2019. Đây được coi là cơ hội để Việt Nam cùng các nước thành viên LHQ cùng rà soát và xác định những lĩnh vực ưu tiên, những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy và bảo vệ các QCN ở Việt Nam.
- UPR là quy trình duy nhất của LHQ về QCN, được sự ủng hộ của tất cả các thành viên LHQ và bao gồm tất cả các QCN. Vì vậy, UPR thực sự là một quy trình phổ quát, bao gồm việc rà soát tình hình nhân quyền ở tất cả các nước, nhằm có một cuộc thảo luận hiệu quả giữa các quốc gia và giúp các nước rà soát quá trình bảo vệ QCN của mình.

 Bài và ảnh: MỸ HẠNH
Nguồn: qđnd