Apr 27, 2014

Liệu có phải là "chân lý"?

Tre Việt - Kể từ sau 1975, ngày 30 tháng 4 hằng năm thường để lại những cảm xúc rất khác nhau trong những người con đất Việt. Đa phần là mừng vui, trong đó có không ít người đã từng đứng ở “phía bên kia của cách mạng”. Mừng vui, vì đó là ngày đất nước và dân tộc được thống nhất, được giải phóng khỏi ách thống trị, xâm lược của thực dân, đế quốc; và từ đây, đất nước không còn chiến tranh. Cố giáo sư Trần Trung Ngọc, người từng phục vụ trong quân đội Sài Gòn, sau này định cư ở Mỹ, còn coi “Ngày 30 - 4 - 1975 không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào”.  Theo đó, ngày 30 tháng 4 hằng năm được xem là một ngày lễ trọng của đất nước. Nhưng cũng có những người vẫn hậm hực, nuối tiếc (nhất là những người đã từng có nhiều nợ máu với nhân dân Việt Nam, từng được hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do người Mỹ - chính xác hơn là đế quốc Mỹ - tiến hành), không chịu chấp nhận một thực tế lịch sử mang tính tất yếu: sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn (trong thực tế, đây là một thực thể tay sai, là kẻ thừa hành của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam), sự tháo chạy của Mỹ - người nuôi dưỡng chính quyền Sài Gòn, nên họ tự gọi đó là ngày “quốc hận”, và xem cuộc chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 là cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, nên ngày 30 tháng 4 theo họ không phải là ngày “giải phóng”. Âu có lẽ đó cũng là thường tình, bởi độ lùi gần 40 năm của lịch sử cũng chưa hẳn đã là dài, nhất là đối với những người còn mang nặng đầu óc hận thù, còn nuôi hy vọng hão huyền về một sự trở lại của họ với lá cờ vàng 3 sọc (mà từ lâu dân ta vẫn gọi là cờ “3 que”). Thế nhưng, điều lạ là cái tay Tín họ Bùi – người còn muốn ghi danh vào thời khắc cuối của cuộc chiến, khi tự tô vẽ bản thân trong tác phẩm “Hoa xuyên tuyết” của mình – lại đi khóc thay cho cái thây ma Việt Nam Cộng hòa trong bài viết mới của y “Chân lý tháng tư” được VOA đăng tải hôm 21 tháng 4 vừa qua.
          Mượn lời của tay sinh viên Lê Vũ Cát Đằng nào đó, trong bài viết của mình, Bùi Tín xem luận điểm “Hoa Kỳ không phải là đế quốc,… Hành động của Hoa Kỳ ở Việt Nam do đó không thể nào gọi là xâm lược”, mà người sinh viên trẻ tuổi nọ đưa ra, là một “chân lý”!!. Thêm nữa, mượn cách nói của Huy Đức - tác giả cuốn “Bên thắng cuộc”, Bùi Tín còn xem ngày 30 tháng 4 hằng năm là “ngày vui của những người thắng cuộc, ngày buồn của những người thua cuộc”, với hàm ý coi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày kết thúc cuộc nội chiến của những người Việt Nam với nhau. Thật là một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn và sự biện hộ cho kẻ xâm lược một cách bỉ ổi. Thử hỏi, Bùi Tín dựa vào cơ sở nào để coi kết luận của người sinh viên trẻ ít học kia là “chân lý”, hay đó chỉ là cách Tín nói liều, nói bừa để kiếm mấy đồng tiền bố thí của những kẻ “có tâm tưởng phi dân tộc”, như nhận định của cố giáo sư Trần Trung Ngọc.
          Có thể khẳng định ngay rằng, kết luận nói trên của người sinh viên thiếu kiến thức về lịch sử, và sự tán thưởng vô lối, có động cơ xấu của tay Bội Tín không phải là “chân lý”, mà đó là cái “lý giả” hay là “giả lý”. Chân lý chỉ có một, thực tiễn lịch sử đã diễn ra không thể xuyên tạc. Độ lùi của chiến tranh đã mấy chục năm, nhiều tài liệu mật đã được giải mã, nhiều nhân chứng lịch sử vẫn còn và đã lên tiếng về sự thật của cuộc chiến giai đoạn 1954 – 1975 ở Việt Nam, trong đó có nhiều học giả phương Tây và chính các chính trị gia từng phục vụ trong chính quyền Sài Gòn.
Để khách quan, xin hãy vào Wikipedia để xem mục từ “Chiến tranh Việt Nam”, trong đó, họ giải thích rất rõ rằng: “Không công nhận kết quả Hiệp định Geneva và thấy trước kết quả sẽ thiên về phe Cộng sản nếu tổng tuyển cử được tiến hành, Mỹ đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, chuẩn bị cho sự can thiệp sâu rộng hơn”. Với ý đồ đó, trước tình huống thế và lực của chính quyền Sài Gòn (do Mỹ dựng lên) suy yếu đến mức không thể cứu vãn, Mỹ đã chính thức nhảy vào cuộc từ những năm 60 của thế kỷ XX, lần lượt áp dụng các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh với trên 8 triệu tấn bom đạn, gần 80 triệu lít chất độc hóa học đã sử dụng, cùng những loại vũ khí tối tân nhất (trừ bom hạt nhân) và một lực lượng lớn quân viễn chinh, gồm quân Mỹ và một số đồng minh (chỉ riêng số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam, có lúc đã lên đến hơn nửa triệu người), để khuất phục nhân dân Việt Nam. Về chi phí cho cuộc chiến, theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên tới 676 tỷ USD (nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỷ USD), so với 341 tỷ USD trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỷ USD trong chiến tranh Triều Tiên. Từ các cứ liệu trên có thể khẳng định rằng, đây là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ chống Việt Nam. Do đó, không thể ngụy biện cho “hành động của Mỹ ở Việt Nam không phải là hành động xâm lược”. Ngay trong cuốn sách Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ (xuất bản tại Mỹ năm 1991), tác giả J.C.Rowe và R.Berg đã chỉ ra bản chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam: “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”. Học giả Giôn- Pra- đốt (thuộc cục Lưu trữ an ninh quốc gia và Đại học G.Oa-sinh-tơn) cũng cho ra mắt cuốn Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng 1945 - 1975 vào năm 2009 ở Mỹ; trong đó, học giả này thừa nhận: “cuộc chiến này, đối với người Mỹ, là một sai lầm và không thể chiến thắng”. Chính ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ H. Kít-xinh-giơ trong một cuộc họp báo ngay sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đã thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành một nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam”. Trong một bài viết, đăng ngày 29 tháng 9 năm 2011, trên báo mạng Treonline của người Việt ở hải ngoại, cố giáo sư Trần Chung Ngọc đã viết: “Với những hiểu biết mới về cuộc chiến thì chúng ta đã rõ, cuộc chiến trước 1954 là cuộc chiến chống xâm lăng của thực dân Pháp toan tính tái lập nền đô hộ trên đầu dân Việt Nam, với sự hỗ trợ về quân cụ, vũ khí rất đáng kể của Mỹ… Còn cuộc chiến hậu Geneva là cuộc chiến chống xâm lăng của Mỹ, Mỹ xâm lăng vì cái thuyết Domino sai lầm… Đây là kết luận của các học giả Tây phương, xét theo những sự kiện lịch sử chứ không xét theo cảm tính phe phái”. Còn trong bài “Vài suy tư về ngày 30 tháng tư” (sachhiem.net/TCN/TCNs/TCNts065.php ngày 18 tháng 4 năm 2013), cố giáo sư  đã vạch trần bộ mặt tay sai của chính quyền Sài Gòn khi ông viết: “Muốn hiểu tại sao miền Nam lại có một kết cục như vậy, chúng ta cần nhắc lại vài nét về các chế độ ở miền Nam. Ai cũng biết là chế độ Ngô Đình Diệm cũng như miền Nam là do Mỹ dựng lên, không phải do người dân miền Nam bầu chọn hay muốn như vậy… Còn về những chế độ quân phiệt của Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa thì chúng ta hãy đọc vài lời thú nhận của các vị lãnh đạo cao cấp nhất ở miền Nam, như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng. Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập; Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ: “Ông” Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy ai cũng cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê; Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên: Chúng ta không có trách nhiệm chiến tranh (!) Trách nhiệm chiến đấu là của người Mỹ. Chính sách đó do Mỹ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi”. Chỉ cần dẫn ra một vài tư liệu như thế đã là quá đủ để khẳng định rằng, kết luận “về hành động của Mỹ ở Việt Nam không phải là hành động xâm lược” chỉ là một kết luận láo toét, là sự biện hộ lố bịch cho những hành động xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ ở Việt Nam trong thế kỷ XX, chứ đâu phải là một “chân lý” mà Bùi Tín vào hùa. Thực tiễn khách quan của lịch sử đã cho thấy: cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1975 là cuộc kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ. Do đó, nếu có bên thắng cuộc và bên thua cuộc ở đây, thì cần phải nói rằng: toàn thể dân tộc Việt Nam là bên thắng cuộc và đế quốc Mỹ là bên thua cuộc, đúng như tuyên bố của Tướng Trần Văn Trà lúc tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh rằng: “Giữa chúng tôi và các anh, không có ai được, ai thua, chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng”. Đó mới thực sự là chân lý.
Vào hùa với những kẻ nuôi dượng hận thù và có “tâm tưởng phi dân tộc”, Bùi Tín thực sự là một Trần Ích Tắc thời hiện đại, như cách gọi của nhiều người trong chính các nhóm “cờ vàng” ở hải ngoại thường sử dụng ./.