Jun 24, 2024

Quen thói, VOA lại “lu loa” xuyên tạc

           Tre Việt - Lợi dụng việc mới đây đại sứ Việt Nam Mai Phan Dũng phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc về bảo đảm nhân quyền của Việt Nam, ngày 22/6 trang facebook kênh tiếng Việt, Đài VOA đăng bài: “Việt Nam nói họ cam kết bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương”. Trong đó, đăng tải một số ý kiến có nội dung xuyên tạc, vu cáo Việt Nam rằng: “Chính phủ Việt Nam “đang làm ngược với các lời hứa của mình”, đó là “một mặt họ cam kết chuyển đổi năng lượng xanh, mặt khác họ đàn áp khốc liệt và bỏ tù có động cơ chính trị những chuyên gia bảo vệ môi trường” hay “xu hướng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam “ngày càng khốc liệt” với việc bắt bớ gia tăng...

Cần khẳng định ngay rằng: bài phát biểu của đại sứ Mai Phan Dũng tại buổi đối thoại với Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền ngày 19/6 vừa qua là hoàn toàn bảo đảm tính khách quan và chính xác. Bởi vì, xuất phát từ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về nhân quyền và thực tế bảo đảm quyền con người của Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên bức tranh xã hội sinh động, tươi đẹp là điều không thể phủ nhận. Việt Nam đã luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật để mọi công dân có quyền bình đẳng, được tự do lao động, sáng tạo, cống hiến cho đất nước, xã hội theo khả năng của mỗi người. Con người thực sự trở thành trung tâm, là động lực cho sự phát triển của đất nước.

Cùng với đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, thông qua việc tham gia có trách nhiệm các cơ chế, diễn đàn, hội nghị quốc tế; đưa ra những cam kết, lộ trình trong việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm khí thải, bảo vệ môi trường, v.v. Điển hình là, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết cụ thể; đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon,... được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo Quyền Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Terence Jones bày tỏ ấn tượng với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cho rằng tuyên bố này đã khuyến khích các quốc gia khác nâng cao mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, ấn tượng khi Việt Nam tập trung vào cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, công bằng, công lý về biến đổi khí hậu để mọi người đều được hưởng lợi. Vì thế, Đài VOA cho rằng: Chính phủ Việt Nam “đang làm ngược với các lời hứa của mình” là không có cơ sở, cố tình xuyên tạc, không thừa nhận những thành tựu, hành động tích cực của Việt Nam trong bảo đảm nhân quyền và bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, việc một số người tự xưng cái gọi là “Giới hoạt động cho nhân quyền và khí hậu Việt Nam” lợi dụng việc một số công dân Việt Nam, như: Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách,... vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị pháp luật xử lý, rồi lu loa rằng: Việt Nam đàn áp khốc liệt và bỏ tù có động cơ chính trị những chuyên gia bảo vệ môi trường là cố tình vu cáo Việt Nam với dụng ý xấu độc, cần phải vạch trần, đấu tranh, lên án./.

 

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc của Việt Tân

          Tre Việt - Đã trở thành thông lệ, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm, các cá nhân, tổ chức, các kênh truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam lại đăng tải các bài viết, bình luận nhằm xuyên tạc, bôi đen, bịa đặt, phủ nhận giá trị và vai trò của báo chí nước ta trong giai đoạn hiện nay. Mới đây, trang facebook Việt Tân đăng status “99 năm báo chí bị định hướng xã hội chủ nghĩa, có gì đâu mà đáng chào mừng!”.

Cần khẳng định rằng: đây là luận điệu xuyên tạc của Việt Tân nhằm phủ nhận vai trò của nền báo chí Việt Nam trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây còn là sự xuyên tạc về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Chúng ta đều biết, vai trò của báo chí nói chung và sứ mệnh của những người làm báo nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”. Điều đó được hiểu: “phò chính”, tức là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. “trừ tà”, tức dám phản ánh cái xấu, cái ác, chống lại sự phi lý, bất công. Hiểu rộng ra theo nghĩa “phò chính, trừ tà” là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống, quyền lợi của dân; vạch trần, phê phán và tẩy trừ những gì sai trái, làm tổn hại tới sự nghiệp cách mạng, tới lợi ích chung của xã hội, của nhân dân. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay, vai trò, chức năng của báo chí ngày càng được khẳng định.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của báo chí, tuyên truyền đối với công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng tự do báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng hành cùng dân tộc. Về mặt pháp luật, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cùng với đó, Luật Báo chí năm 2016 và các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành cũng được Nhà nước ta và các cơ quan chức năng ban hành đồng bộ,... tạo hành lang pháp lý đầy đủ để báo chí phát triển, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và có sự phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, cả nước có 06 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó, có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người; trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng giống như mọi quốc gia trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự do có giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm”, hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (năm 1948), Công ước nhân quyền châu Âu (năm 1953), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng nhấn mạnh tự do ngôn luận là tự do trong những giới hạn của đạo đức và pháp luật, chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; chống kích động bạo lực, chiến tranh; chống kêu gọi bạo loạn, đe dọa đến trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy, không có tự do báo chí thuần túy, tuyệt đối, đứng bên ngoài xã hội, cộng đồng, thể chế chính trị. Chỉ có tự do báo chí trong xã hội dân chủ, khi giai cấp cầm quyền có vai trò tiến bộ dẫn dắt xã hội và không có nơi nào có văn bản coi tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền tuyệt đối. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam không phải là ngôn luận tự do, báo chí tự do theo ý chí cá nhân, mà là tự do xây dựng vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng, vì một thể chế chính trị - xã hội của dân, do dân, vì dân.

Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; tuyên truyền nhân rộng những mô hình, tấm gương điển hình, các làm hay, sáng tạo trong cộng đồng, xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, v.v. Báo chí đã phát huy tốt vai trò là kênh giám sát, phản biện xã hội, giúp Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp có những điều chỉnh, bổ sung chủ trương, đường lối, chính sách để theo kịp sự phát triển của thực tiễn; tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập, bất hợp lý mà xã hội đặt ra. Đây chính là một minh chứng cụ thể cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Chính vì vậy, Việt Tân rêu rao “Báo chí bị định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là luận điệu lạc lõng, cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nền báo chí cách mạng đáng tự hào của chúng ta. Cần đề cao cảnh giác, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ./.