Tre
Việt - Như
chúng ta đã biết, thực hiện âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta, trong
những năm qua, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam; đặc biệt
là tổ chức Freedom House (Ngôi nhà tự do) thường xuyên xếp Việt Nam vào nhóm những
nước không có tự do. Họ liên tục đưa ra những luận điệu cho rằng, Việt Nam là
quốc gia Đảng Cộng sản “thống trị” trong nhiều thập kỷ, các quyền dân chủ, như:
tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, và hoạt động xã hội dân sự luôn bị hạn chế
nghiêm ngặt. Tháng 11 năm ngoái, tổ chức Freedom House còn xếp Việt Nam vào
danh sách những quốc gia không có tự do internet.
Ngày 09/6/2020, Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do
Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vừa công bố bản báo cáo đặc biệt về tù nhân lương tâm
tôn giáo ở Việt Nam. Báo cáo của USCIRF cho biết, trong số hơn 250 tù nhân
lương tâm tại Việt Nam, ước tính có một phần ba bị bỏ tù vì có liên quan đến hoạt
động cho tự do tôn giáo hay niềm tin tôn giáo.
Đó là cách nói sai
lệch. Bởi, “không có tự do tôn giáo” mà ở Việt Nam lại có tới 43 tổ chức thuộc
16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc
Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo. Đến năm 2018, 7.102 tổ chức,
cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất; 12 báo, tạp chí liên
quan tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng; trong 5 năm
có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng
triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được
tổ chức ở Việt Nam, như: Đại lễ Phật đản VESAK, 500 năm Cải chánh đạo Tin lành,
v.v. Điều đáng nói là, tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm:
năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông
Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên. Có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin
lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm
nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân
tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký
sinh hoạt tập trung, v.v. Cùng với phát triển về tổ chức,
đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động
tôn giáo cũng không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 9/2019, Việt Nam có 25,1 triệu
tín đồ, chiếm 27% dân số, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Việc ra đời các tổ
chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện
nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không
phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ
thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn
giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.
Mới đây, một khảo sát toàn cầu của Nhóm
nghiên cứu Dalia Research, có trụ sở chính ở Berlin (Liên bang Đức) kết hợp với
quỹ Liên minh Dân chủ (AoD) có trụ sở ở Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, chính
phủ Việt Nam đã đáp ứng được sự kỳ vọng của hầu hết người dân về tự do dân chủ
khi có tới hơn 70% người dân trong nước tin là mình đang sống ở một quốc gia
dân chủ.
Theo đó, chỉ số Nhận thức Dân chủ (DPI),
nghiên cứu hàng năm lớn nhất về dân chủ, vừa được đưa ra cho thấy, đại đa số
người dân Việt Nam (81%) coi dân chủ là quan trọng và 71% những người được khảo
sát ở Việt Nam nói rằng “đất nước của tôi có dân chủ”. Trong khi đó, chỉ có 18%
người dân Việt Nam được hỏi nói rằng “không có đủ dân chủ ở đất nước tôi” và chỉ
có 12% cho rằng chính phủ của họ “thường hành động vì lợi ích của một nhóm nhỏ”.
Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi dịch
COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc, đến nay, đã trở thành đại dịch toàn cầu, với số
người nhiễm trên toàn thế giới lên tới gần 9.000.000 ca và gần 500.000 người tử
vong, thế nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trên bảng chỉ số
DPI, với 95% người dân cho rằng chính phủ của họ làm tốt trong việc đối phó với
đại dịch COVID-19. Đây rõ ràng là những con số thực tế, những con số phản ánh từ
chính sự cảm nhận của người dân Việt Nam. Điều này, hoàn toàn trái ngược với những
luận điệu của những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí cho rằng, Việt Nam là quốc
gia “không có tự do”, “mất dân chủ”. Những con số biết nói trên đã chứng minh
điều ngược lại, đa số người dân Việt Nam cảm nhận sự hài lòng với chính phủ và
họ cho rằng “đất nước của tôi có dân chủ”.
Tre Việt nghĩ rằng, chẳng biết khi chứng
kiến những con số cụ thể này, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, nhất là
Freedom House có còn mở miệng ra xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt
Nam nữa hay không?