May 29, 2014

Về cái gọi là “Thư chung” gửi Nhà nước Việt Nam trên internet!

Tre Việt - Vừa qua trên internet xuất hiện cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” ký tên gửi Nhà nước Việt Nam. Với nội dung chủ yếu là lên án, phản đối Nhà nước Việt Nam đã “đàn áp nghiêm trọng với Phật giáo” cái gọi là “Thư chung” này không chỉ xuyên tạc tình hình hoạt động bình thường theo đúng pháp luật của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, mà còn vu khống một cách trắng trợn về quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam!
Ai cũng biết rằng, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có 13 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,…), với gần 23 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số; đồng thời, có hàng chục tổ chức tín ngưỡng, tôn giao đang tồn tại và xin cấp phép hoạt động. Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm, chính sách và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đất nước và các công ước quốc tế về quyền con người, đảm bảo tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Về quan điểm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán coi: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, luôn tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng luôn thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo; tạo mọi điều kiện để đồng bào các tôn giáo luôn bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng chung sức phấn đấu “tốt đời, đẹp đạo”.
Về pháp luật, cụ thể hóa quan điểm trên, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho mọi người dân và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực thi theo pháp luật, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do theo tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành các nghị định để hướng dẫn, quy định chi tiết về thực hiện Pháp lệnh nêu trên,... Hiến pháp, các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, những ai quan tâm, tìm hiểu đều có thể tra cứu dễ dàng. Như vậy, về quan điểm, đường lối và chính sách, pháp luật của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo là rõ ràng, minh bạch, được mọi người dân ủng hộ. Đây là sự thật không thể bác bỏ! Chính điều đó đã làm cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân nói chung, hoạt động của các tôn giáo nói riêng ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, thậm chí phát triển rất sống động, theo đúng pháp luật.
Trên thực tiễn, đến nay, ở Việt Nam đã có 37 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động; trên 20.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, trùng tu, 2.000 cơ sở được xây mới; trên 50 cơ sở đào tạo của các tôn giáo, với các cấp đào tạo khác nhau. Các tín đồ tôn giáo đều thực hiện tốt phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, đẩy mạnh các hoạt động “đồng hành cùng dân tộc”, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo,… để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các hoạt động báo chí, xuất bản ấn phẩm tôn giáo cũng rất sống động. Nhà nước đã cấp phép xuất bản cho khoảng 4.000 đầu sách tôn giáo, với hàng chục triệu bản in; cấp phép cho 15 tờ báo và tạp chí của các tôn giáo hoạt động,… Các hoạt động tôn giáo quốc tế lớn, đối ngoại của các tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2008, Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI năm 2009 - 2010, Lế Khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo năm 2009, Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành đến Việt Nam năm 2011, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần thứ X năm 2013,… gần đây nhất là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2014 được tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Điều đó, chứng tỏ đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn lành mạnh; Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động bình đẳng trước pháp luật, thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cao Nhà nước Việt Nam “đàn áp” tôn giáo đều cần phải bị lên án và bác bỏ!
Quay trở lại cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” gửi Nhà nước Việt Nam cho rằng: Nhà nước Việt Nam đàn áp nghiêm trọng Phật giáo(!) Không biết các tác giả “Thư chung” căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý nào để đưa ra nhận định trên? Phải chăng họ bị lừa dối, hay cố tình vẽ ra, chơi trò “đánh lận con đen”? Không. Họ là những “nhân vật quốc tế” có đầy đủ nhận thức, điều kiện để nhìn thấy, cảm nhận và đánh giá khách quan về tình hình hoạt động của tôn giáo Việt Nam. Đó là, những ông, bà “thân quen”, mang những cái chức vụ “to tướng”, của những tổ chức “quốc tế” cũng “to tướng” như: Katrine Lanstos Swett, “Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa kỳ bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới”, “Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Tom Lantos”, người lớn tiếng “…chúng tôi cực kỳ lên án sự đàn áp tôn giáo tiếp diễn tại Việt Nam, nhắm trực tiếp vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như các cộng đồng Tin lành, Công giáo, người Thượng Thiên Chúa giáo,… và nhiều trường hợp khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây”!? Và còn có nhiều ông, bà khác nữa mà không tiện nêu tên ở đây với nhiều “chức vị, danh hiệu” cũng rất oách; bởi, nếu nêu tên họ ra thì các tổ chức quốc tế, các chính phủ của họ sẽ xấu hổ bởi đã có những công dân lú lẫn, luôn tìm mọi cách để “thay trắng, đổi đen”! Như vậy, 61 cá nhân, mà tiêu biểu những cái tên nêu trên có đầy đủ nhân thức, điều kiện để hiểu rõ tình hình tôn giáo Việt Nam. Nhưng họ đã không làm vậy. Họ đã cố tình dựa vào những thông tin không đúng sự thật, với cái nhìn sai lệch đầy định kiến, để xuyên tạc tình hình tôn giáo và vu khống Nhà nước Việt Nam “đàn áp các tôn giáo”!
Thực ra nhân dân, cũng như tín đồ các tôn giáo Việt Nam và trên thế giới đều thấy rõ bản mặt xấu xa của họ là: muốn tín đồ các tôn giáo phải là một lực lượng chính trị đối lập với chế độ, Nhà nước Việt Nam và sử dụng lực lượng này để thực hiện mưu đồ đưa đất nước Việt Nam đi theo “chế độ dân chủ” phục vụ cho lợi ích của họ! Thực tế, thời gian qua, cùng những con người “đáng kính”, ở những tổ chức chống cộng nêu trên đã lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam ra sức cổ vũ cho những cái gọi là: “Chính phủ Đề-ga” lưu vong; “Chính phủ Khmer tự do”,… Rồi kích động ly khai dân tộc, đòi thành lập cái gọi là: “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc, “Nhà nước Đề-ga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer – Crôm độc lập” ở Tây Nam Bộ, “Nhà nước Chăm độc lập” ở Nam Trung Bộ của Việt Nam. Nhưng tất cả những âm mưu của họ đã bị nhân dân Việt Nam đập tan, đồng báo các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc để dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Về Phật giáo, có thật “Nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo” như lời bà Katrine Lanstos Swett nói không? Không có và cũng không bao giờ có. Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam hàng nghìn năm nay và luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhiều thời kỳ đã trở thành Quốc đạo của Việt Nam (thời Nhà Lý, Nhà Trần,…). Hiện nay, với đội ngũ nhà tu hành, phật tử đông đảo, cơ sở thờ tự, hệ thống trường đào tạo khang trang,… Phật giáo đã đóng góp quan trọng trong xây dựng xã hội an bình, nhân dân hạnh phúc, đất nước vững mạnh. Việc Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, chủ trì và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) năm 2014 (với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức quốc tế (ICDV), có sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và cùng hơn 20.000 Phật tử trong nước và quốc tế) đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu cáo của cái gọi là “Thư chung” do 61 “nhân vật quốc tế” cùng ký tên gửi Nhà nước Việt Nam.

Những cái nhìn thiếu thiện chí, khách quan, hay những âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo” chẳng che giấu được ai, nhất định sẽ bị nhân dân lên án và đấu tranh làm thất bại./.