Jun 19, 2017

Hoàn toàn đúng luật

Tre Việt - Ngày 17-5-2017, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang đã ra quyết định số 832/QĐ-CTN: tước quốc tịch Việt Nam đối với Phạm Minh Hoàng. Ngay sau đó, những tổ chức, cá nhân tự xưng là nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong vào ngoài Việt Nam đã liên tục có những bài viết tung lên BBC, RFA, VOA,… và các trang mạng phản động để ủng hộ Phạm Minh Hoàng, lên án Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền(!)

Cần khẳng định rằng, quyết định trên là hoàn toàn đúng đắn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam!
          Khoản 4, Điều 88, Hiến Pháp Việt Nam (năm 2013) Chủ tịch nước có quyền hạn và nhiệm vụ: “Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam” và Điều 91, về hình thức thực hiện là “Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Cùng với đó, căn cứ theo Khoản 2, Điều 31, Luật quốc tịch Việt Nam (năm 2008): “Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1, Điều này”. Đối chiếu vào Khoản 1, Điều 31, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định, “Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phạm Minh Hoàng sinh ngày 08-8-1955 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1973, Ông ta sang Pháp du học và tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Khoa học ứng dụng, sau đó nhập quốc tịch Pháp. Thời gian này, Phạm Minh Hoàng đã nhiều lần viết bài, gửi cho một số tờ báo, tạp chí của các hội đoàn người Việt ở Pháp chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Năm 1998, Phạm Minh Hoàng tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân và xin về Việt Nam cư trú. Năm 2000, với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” và chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, Nhà nước Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho Phạm Minh Hoàng trở về, nhập quốc tịch, mà còn được làm giảng viên hợp đồng tại Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh.
Những tưởng Phạm Minh Hoàng xóa bỏ mặc cảm, coi trọng chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nỗ lực đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển đất nước. Nhưng không. Phạm Minh Hoàng trở về là theo chỉ đạo của tổ chức khủng bố Việt Tân để hoạt động, công kích, chống phá đất nước. Vì thế, Phạm Minh Hoàng đã liên tục có những bài viết xuyên tạc tình hình đất nước, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam gửi cho tổ chức khủng bố Việt Tân để phát tán trên mạng in--tơ-nét. Đồng thời, tích cực hoạt động lôi kéo những kẻ bất mãn, cơ hội tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân, tiến hành chống phá đất nước.
Những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó không qua khỏi con mắt của nhân dân và cơ quan chức năng. Ngày 13-8-2010, cơ quan chức năng đã thi hành lệnh bắt Phạm Minh Hoàng khi đang tuyên truyền những quan điểm chống Nhà nước Việt Nam. Ngày 10-8-2011, Phạm Minh Hoàng bị tòa án kết án sơ thẩm với tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 2, Điều 79 Bộ luật Hình sự và bị tuyên phạt 03 năm tù giam. Tuy nhiên với chính sách khoan hồng của pháp luật, tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 29-11-2011, Phạm Minh Hoàng bị kết án 17 tháng tù. Sau khi được tự do, Phạm Minh Hoàng vẫn nhận lệnh từ các tổ chức phản động chống phá Việt Nam. Lợi dụng quốc tịch Pháp, Hoàng thường xuyên sang Pháp gặp gỡ, móc nối với các phần tử phản động, xuyên tạc, vu cáo về tự do nhân quyền Việt Nam và là một trong những phần tử cốt cán của tổ chức khủng bố Việt Tân. Trưa ngày 20-3-2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng công an đã tạm giữ Phạm Minh Hoàng vì bị tố cáo mở lớp huấn luyện trái pháp luật, lợi dụng giảng dạy kỹ năng mềm để tuyên truyền chống Nhà nước. 

Như vậy, là một thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân, Phạm Minh Hoàng đã bất chấp pháp luật, đạo lý, điên cuồng chống phá đất nước. Hành vi đó là không thể chấp nhận. Vì thế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  ra quyết định số 832/QĐ-CTN, tước quốc tịch Việt Nam đối với Phạm Minh Hoàng là hoàn toàn đúng đắn theo quy định Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm và thái độ kiên quyết của Việt Nam trong cuộc dấu tranh với các tổ chức khủng bố, đảm bảo sự bình yên, hòa bình cho đất nước./.

Bẽ mặt

Tre Việt - Ngày 17-6-2017 trên VOA Tiếng Việt, Trà Mi có bài phóng vấn Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch về: “Nhân quyền Việt Nam dưới thời Tổng thống Trump”. Họ nhằm đưa vấn đề nhân quyền làm điều kiện trong quan hệ Việt - Mỹ.

Vì thế, trước chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ D. Trump, chính Phil Robertson đã cùng với một số cá nhân có tư tưởng chống chế độ Việt Nam đã nhiều trả lời phóng vấn, viết bài xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, phá hoại quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Song thực tế không như họ mong muốn. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ đã thành công tốt đẹp, được dư luận Mỹ, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sự thành công này, một lần nữa chứng tỏ mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đã và đang được chính phủ và nhân dân hai nước làm cho ngày càng sâu sắc và thiết thực. Đồng thời, góp phần bóc trần bộ mặt thật bẩn thỉu, thủ đoạn chuyên “gắp lửa bỏ tay người” của một số tổ chức, cá nhân chống cộng cực đoan, trong đó có Phil Robertson.
Đúng là bẽ mặt!
Phil Robertson lại nói càn, xuyên tạc rằng: “Tình hình nhân quyền Việt Nam đang sa sút, càng ngày càng tuột dốc”(!)
Cần khẳng định rằng, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam đã, đang ngày một tốt hơn. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm  2013 đã dành Chương II quy định đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Đồng thời, Việt Nam đã và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật để đảm bảo quyền con người, quyền công dân tương thích với sự phát triển của đất nước và những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Trên thực tế, các quyền dân sự, chính trị của con người ở Việt Nam được bảo đảm đầy đủ, thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu: 86 người dân tộc thiểu số, 133 phụ nữ, 21 người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Quyền tự do ngôn luận, báo chí, được thực thi có hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam có đầy đủ các loại hình báo chí, trong đó có gần 900 cơ quan báo chí in, điện tử; hằng trăm trang thông tin điện tử tổng hợp của các các tổ chức. Người dân Việt Nam, cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam thường xuyên nhận được thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, KBS, Bloomberg, AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times, v.v. Về in-tơ-nét,  Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển in-tơ-nét hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook, với khoảng 39 triệu người dùng. Về các quyền kinh tế - xã hội, năm 2016, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2011 - 2015) đạt từ 6,5- 7%/năm; đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là một nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012 và đến năm 2016 chỉ còn 5,22%. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đất nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện vững chắc. Năm 2016, Việt Nam có khoảng trên 110.100 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%; tổng vốn đăng ký ước đạt 24,372 tỷ USD.
Những số liệu này chứng tỏ, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam được bảo đảm cả về pháp lý và trên thực tế.
Xin nhắc rằng, quyền con người là thành quả của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc, được pháp luật quy định, nhằm vừa bảo vệ nhân phẩm, nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi người, vừa đảm bảo mỗi người phải có nghĩa vụ tôn trọng an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích của người khác và những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội. Không cá nhân, tổ chức nào được nhân danh quyền con người để đứng ngoài xã hội, đứng trên pháp luật. Hành động nói càn, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam của Phil Robertson sẽ bị nhân dân Việt Nam lên án, bác bỏ.