Dec 18, 2017

"Lo bò trắng răng"

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Tre Việt - Qua địa chỉ langtreviet@gmail.com bạn Nguyễn Phú Hưng gửi đến Tre Việt bài “Lo bò trắng răng”, xin giới thiệu với bạn đọc và cảm ơn bạn Nguyễn Phú Hưng.

“LO BÒ TRẮNG RĂNG”


                                                                                       NGUYỄN PHÚ HƯNG

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến tỏ ra “lo lắng”, cho rằng: việc bố trí cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự trong Quân đội là không phù hợp. Theo họ, cán bộ chính trị thì không thể làm công tác quân sự được (!)
Đây là ý kiến thiếu cơ sở. Bởi trong lịch sử của Quân đội ta từ cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ chính trị, hoặc từ cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự không phải không có tiền lệ. Điều đó diễn ra ở mọi cấp, từ đơn vị cơ sở đến cấp chiến lược. Bởi lẽ, trong quá trình đào tạo cán bộ dù là quân sự thì cũng có gần một nửa dung lượng và thời gian đào tạo chính trị và ngược lại để cán bộ phát triển toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”[1]. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quan hệ công tác của cán bộ chủ trì về quân sự và chính trị cũng xác định rõ, hai người phải thường xuyên bàn bạc, trao đổi với nhau về tình hình mọi mặt của đơn vị, thống nhất đề xuất các chủ trương, giải pháp lãnh đạo với cấp ủy đơn vị để xem xét quyết định theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, do vậy không thể có chuyện cán bộ chính trị mà không biết về quân sự và người lại. Trên thực tế, việc phân công cán bộ chuyển sang làm chính trị và ngược lại là việc làm bình thường của tổ chức để sử dụng và phát huy đúng sở trường của cán bộ. Cùng với đó, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực của mỗi người, việc luân chuyển cán bộ để họ được khẳng định khả năng của mình trên các lĩnh vực công tác ở các cấp trong toàn quân được làm thường xuyên, tiến hành theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ, những ai trong quân ngũ đều thấy rõ điều đó. Ở cấp chiến dịch, chiến lược gần đây, là Đồng chí Lê Văn Dũng từ Tư lệnh Quân khu 7 (năm 1995 - 1998) trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1998) và trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (năm 1998 - 2001), sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2001 đến năm 2011) và được thăng hàm Đại tướng năm 2007. Đồng chí Phương Minh Hòa từ Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 2005) sang làm Tư lệnh Quân chủng này (năm 2010), trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2015 và được thăng hàm Thượng tướng. Đồng chí Võ Trọng Việt từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh; năm 2005, được điều động ra Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam làm Chính ủy; năm 2012, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tháng 10-2015, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; năm 2015 được phong Thượng tướng; từ tháng 4-2016 đến nay, giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Thực tế cho thấy, không ít đồng chí từ cán bộ lực lượng vũ trang phát triển thành cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Đó là trường hợp Đại tướng Lê Đức Anh từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Trần Đại Quang từ Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước. Thượng tướng Lê Khả Phiêu từ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991 - 1997, trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 - 2001, v.v. 
Ngược dòng lịch sử của dân tộc cho thấy, thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta đâu có được đào tạo cơ bản qua trường lớp chính quy, phần lớn chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, thế mà lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) vĩ đại. Tiếp đó, các thế hệ cán bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tuy được đào tạo qua trường lớp có khá hơn trước, nhưng không thật nhiều, vậy mà đã cùng với nhân dân ta, dân tộc ta làm nên những chiến thắng vĩ đại. Đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ này, nhiều cán bộ quân đội đã trở thành tướng lĩnh tài ba. Vị Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điển hình. Đại tướng xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử, chứ đâu có phải là nhà quân sự, nhưng khi được cử sang phụ trách Quân đội ta với tài năng thiên bẩm và trải nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú Ông đã trở thành vị tướng mưu lược, quyết đoán, chỉ huy toàn quân đánh bại những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất là Pháp và Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại và là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân ta và bạn bè trên thế giới. Nói vậy để thấy rằng, học qua trường lớp là điều rất quan trọng, nhưng như thế là chưa đủ mà còn phụ thuộc vào khả năng tư duy, tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện trong thực tiễn.
Điều khẳng định, việc sắp xếp, bố trí sử dụng cán của Đảng ta được thực hiện chặt chẽ, cẩn trọng theo quy trình, quy định nghiêm ngặt, thống nhất, để lựa chọn cán bộ một cách chính xác nhất vào từng vị trí. Không có chuyện bố trí, sắp xếp cán bộ một cách tùy tiện, thiếu căn cứ. Hơn nữa, theo nguyên tắc của Đảng ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện tập trung dân chủ, nên mọi việc đều được tập thể bàn bạc dân chủ, thống nhất quyết định, không có cá nhân nào được đặt trên tập thể để có quyết định trái với quyết định của tập thể. Vậy nên, ý kiến không đồng tình với việc phân công một số cán bộ đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Quân đội là hoàn toàn không có cơ sở. Sự lo lắng của họ chẳng khác nào “lo bò trắng răng”./.



[1] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 217.