Nov 21, 2020

Thiển cận

          Tre Việt - Ngày 20/11, trên facebook Tiếng Dân News, Nguyễn Đình Cống có bài: “Đôi lời nhân phát biểu của ông Vũ Đức Đam” nhân phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Quốc hội (tháng 11/ 2020), về đạo đức xã hội, được nhiều người quan tâm. Tre Việt không nhắc lại nội dung phát biểu của Phó Thủ tướng, mà có vài trao đổi với ý kiến của Nguyễn Đình Cống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn.
Ảnh: TTXVN
            Ông ta cho rằng: “Chính quyền theo Duy vật, quá coi trọng quyền lợi vật chất, quan tâm đến đạo đức cách mạng mà coi nhẹ đạo đức làm người”. Về vấn đề này, Tre Việt thấy ông Cống viết thế không đúng. Thứ nhất, chính quyền theo duy vật (theo cách nói của ông ta) không phải “quá coi trọng quyền lợi vật chất” mà chỉ nói trong mối quan hệ vật chất với ý thức thì vật chất quyết định ý thức, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Bởi, người ta chẳng thể làm được gì nếu cái dạ dày cứ lép kẹp. Toàn bộ sáng tác văn học, nghệ thuật, tôn giáo... có được trước hết, con người phải có cái ăn, cái mặc. Ông ngồi viết những lời nhân phát biểu của Phó Thủ tướng chắc chắn lúc đó ông không bị đói, bị khát đúng không? Xác định vật chất quyết định ý thức để thấy rằng, con người muốn làm được việc thì trước hết phải chăm lo cái ăn, cái mặc... (đời sống vật chất) sau đó người ta mới lao động sản xuất, sáng tạo văn học, nghệ thuật, tôn giáo... (đời sống tinh thần). Mục tiêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam là phải chăm lo nâng cao đồng thời cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần; chứ không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà không quan tâm đời sống tinh thần. Và cũng không thể quan tâm đến đời sống tinh thần trước đời sống vật chất. Trong lũ lụt miền Trung vừa qua người dân rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và những người có tấm lòng thiện nguyện đều quan tâm trước tiên đến lương thực, nước uống, áo quần, đồ dùng chứ có ai mang băng đĩa nhạc, họa báo... đi cứu trợ đâu ông? Vậy nên, ông nói chính quyền quá “coi trọng quyền lợi vật chất” là cái nhìn thiển cận, chưa thấy mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
          Nguyễn Đình Cống viết: “Tôn giáo là nơi vun trồng đạo đức, thế mà chính quyền duy vật bài bác hoặc tìm cách lợi dụng để củng cố sự thống trị”. Đúng là tôn giáo đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; tôn giáo có những mặt tích cực của nó, nên mới thu hút được một bộ phận nhân dân tin theo. Cho nên, Đảng, Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng tôn giáo; đồng thời xác định tôn giáo còn tồn tại lâu dài cùng dân tộc chứ có bài bác đâu. Đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tự của các tôn giáo ngày càng khang trang, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó là số lượng tín đồ các tôn giáo ngày một tăng, hiện có khoảng 27 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 30% dân số cả nước. Bài bác tôn giáo mà lại có được kết quả như thế sao, thưa ông!
          Ông viết: “tôn giáo là nơi vun trồng đạo đức”, tuyệt đối hóa tôn giáo như thế thì không ổn. Đành rằng tôn giáo có những mặt tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế, nó làm mê hoặc một bộ phận người dân tin theo một cách mù quáng, không có cơ sở khoa học, nên có trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng. Mới đây, vụ việc ở Bình Dương phát hiện xác người trong thùng phi bê tông là một ví dụ, chắc hẳn ông còn nhớ!
          Ông cho rằng: “Gốc của đạo đức ở hai nguồn chính. Một là lòng yêu thương và tôn trọng mọi người mà trước hết là hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Hai là có niềm tin vào thế giới tâm linh mà quan trọng là biết tôn thờ Thượng đế và các Đấng Anh linh. Thế mà đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh lại coi thường hoặc phủ nhận những gốc rễ đó”. Tre Việt đồng tình với ông ở vế thứ nhất; còn về thứ hai, ông đã sai bét. Bởi, chẳng ai biết thượng đế và các đấng anh linh có hình hài như thế nào? Đó là hình ảnh hư ảo mà những người sáng tạo ra tôn giáo vẽ ra theo trí tưởng tượng của mình, mà những người theo tôn giáo đó tin theo mà thôi. Vậy nên, xin phép sửa lại vế hai của ông là: “Hai là có niềm tin vào thế giới tâm linh mà quan trọng là biết tôn thờ những người đã có công dựng nước và giữ nước” ông ạ!
          Ông viết: đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh lại coi thường hoặc phủ nhận những gốc rễ của đạo đức là ông cố tình phủ nhận thực tiễn đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Ở nước ta đa số người dân theo đạo Phật, cho nên, hầu hết mọi nhà đều có bàn thờ ông bà, tổ tiên. Các làng đều có đình, chùa thờ cúng thần hoàng làng và những người có công với quê hương, đất nước. Như vậy, vế thứ nhất ông đưa ra đã thỏa mãn. Câu nói của Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ ta tại đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải biết giữ lấy nước” cũng thỏa mãn vế thứ hai. Vậy là với cái nhìn thiển cận, ông lại sai nốt./.