Jan 11, 2018

Dừng ngay trò lố

Tre Việt - Bắt đầu từ ngày 08-01-2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu phiên Sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trong số các bị cáo bị đem ra xét xử, có Trịnh Xuân Thanh. Đây là việc bình thường trong thực thi pháp luật của mỗi quốc gia, không riêng của Việt Nam. Vì nó đáp ứng sự mong mỏi của người dân.
Thế mà, thật nực cười, Chính phủ Đức đã đưa ra yêu cầu phi lý đối với việc xét xử các bị cáo của phiên tòa: “Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức một lần nữa yêu cầu xét xử Trịnh Xuân Thanh theo chuẩn mực nhà nước pháp quyền”. 
Trang Thời báo de dẫn Nguồn Chính phủ  Cộng hòa liên bangĐức

Cần nhớ, theo quan niệm về luật nhân đạo và luật nhân quyền quốc tế, thì Trịnh Xuân Thanh không thuộc đối tượng được pháp luật quốc tế bảo đảm. Bởi, đơn giản Trịnh Xuân Thanh không phải là tội phạm chính trị, mà là tội phạm tham nhũng - một loại tội phạm mà cả thế giới đang tìm cách loại trừ, trong đó có cả Đức và Việt Nam. Hơn nữa Trịnh Xuân Thanh không phải là công dân Đức, cũng không phạm tội trên đất Đức, nên không có lý do gì để Chính phủ Đức đồng lõa và bảo kê cho loại tội phạm này. Còn theo Hiến chương của Liên hợp quốc thì các nước không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của từng quốc gia hay vùng lãnh thổ. Cũng tại Phần I - Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm 1966), Điều 1 quy định: “Công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, bao gồm quyền “tự do định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Như vậy, Chính phủ Đức can thiệp vào công việc xét xử của Việt Nam là vi phạm vào Hiến chương của Liên hợp quốc và cản trở Việt Nam thực hiện quyền dân tộc tự quyết của mình (được biết Đức đã tham gia công ước này). Đây là một sự vi phạm nhân quyền và quyền dân tộc tự quyết một cách thô bạo.
Xin hỏi: với tư cách gì mà Chính phủ Đức can thiệp vào phiên tòa xét xử tội phạm tham nhũng là công dân Việt Nam? Thật vô lý, là một quốc gia văn minh mà Chính phủ Đức đòi hỏi Trịnh Xuân Thanh phải được xét xử theo chuẩn mực nhà nước pháp quyền, thế thì sao lại đòi can thiệp vào hoạt động xét xử? Thử hỏi, để đảm bảo thượng tôn luật pháp của mình, Chính phủ Đức có cho phép bất cứ chính phủ nào can thiệp vào hoạt động xét xử không? Câu trả lời là không.
Vì thế, việc Chính phủ Đức đưa ra yêu cầu trên là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý; cớ gì mà yêu sách, nhũng nhiễu này nọ? Chính phủ Đức đừng diễn trò “lố” hãy để yên cho Tòa án thành phố Hà Nội xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thực tế tại phiên tòa (diễn ra từ ngày 08-01 đến nay), Nhà nước Việt Nam đã áp dụng quy trình Tố tụng mới bằng sơ đồ mới, nhân văn hơn và cũng áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng sẽ áp dụng những điều khoản mới ở Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu nó có lợi cho các bị cáo. Điều này cho thấy, Nhà nước Việt Nam đã tỏ rõ sự nhân văn và thượng tôn luật pháp như thế nào. Tới dự phiên tòa, ngoài các bị cáo, người thân của các bị cáo, những giám định viên, những cá nhân và tổ chức có nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan, thì có đông các phóng viên báo chí của các hãng truyền thông đến để đưa tin, trong đó có cả hai nhân viên ngoại giao của Chính phủ Đức tham dự với tư cách là quan sát viên.

Một nước lớn như Đức phải biết là không được can thiệp vào nội bộ của nước khác. Nước Đức không có quyền tham gia hay can thiệp vào vụ án xét xử tội phạm tham nhũng Trịnh Xuân Thanh. Đó là điều “đại kỵ”, ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước Đức - Việt Nam./.