Sep 26, 2023

Những hành động can thiệp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và nhân dân Việt Nam cần bị lên án, ngăn chặn

          Tre Việt – Ngày 25/9, trang facebook Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng status Các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam không hoàn toàn “phi chính phủ”?. Dụng ý của RFA không ngoài mục đích kích động, xuyên tạc chủ trương, chính sách cũng như hạ thấp uy tín của Ðảng, Nhà nước ta trong việc ban hành, xây dựng khung pháp lý về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam.

Thời gian qua, để phát huy vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, từng bước hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Ðến nay, Việt Nam có 388 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký giấy phép và hoạt động thường xuyên. Tính riêng trong năm 2022, các tổ chức này đã viện trợ cho Việt Nam hơn 223,7 triệu USD cũng như tham gia hỗ trợ nhiều dự án liên quan đến văn hóa, giáo dục, thực thi các hiệp định thương mại quốc tế và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đối tác, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức của Việt Nam để xây dựng những chương trình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn.

Dẫu vậy, trong bức tranh chứa nhiều điểm sáng ấy, xuất hiện những điều đáng lo ngại, đó là việc một số tổ chức phi chính phủ đang lợi dụng việc tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ các dự án phi lợi nhuận để cổ súy các hoạt động không phù hợp với lợi ích quốc gia, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nổi lên trong thời gian qua là: hiện tượng nhân danh hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, giáo dục, y tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, người lao động, đất đai, môi trường,... một số tổ chức phi chính phủ tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông tin, đánh giá thiếu khách quan, gây hoang mang dư luận, dấy lên những nghi kị, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước. Hiện tượng nêu trên đang có xu hướng diễn biến phức tạp khi một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài lợi dụng hoạt động tài trợ nhằm lôi kéo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ngoài công lập tham gia vào các dự án có nguy cơ xâm phạm an ninh và trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Thông qua phương thức đặt hàng nghiên cứu, họ hướng lái một số cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tiến hành nghiên cứu và công bố hàng loạt báo cáo, khảo sát chứa nhiều nội dung tiêu cực, phiến diện, bôi đen tình hình đất nước và con người Việt Nam.

Trên danh nghĩa bảo trợ các nhóm mục tiêu (phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương), một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài khuyến khích thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm với những tên gọi, như: “nhóm cộng đồng nòng cốt”, “nhóm đồng đẳng viên”, “nhóm tự quản”, “nhóm công nhân nòng cốt”. Đồng thời, lôi kéo một số tổ chức xã hội Việt Nam không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, tự ứng cử vào Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam. Từ đây, họ vận động những nhóm đối tượng này đưa ra các yêu sách vô lý vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Liên minh châu Âu. Các hội nhóm thiếu thiện chí này tổ chức nhiều tọa đàm, khóa học, buổi tập huấn lồng ghép nội dung xuyên tạc Hiệp định EVFTA, Bộ luật Lao động (năm 2019), phủ nhận vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở trong việc giải quyết quyền lợi chính đáng, khó khăn, khúc mắc giữa người lao động với doanh nghiệp. Song song đó, các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí còn đẩy mạnh nhiều hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội trong bối cảnh Việt Nam tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, v.v.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn trân trọng mọi nguồn lực hỗ trợ ở trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðồng thời, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị khách quan, chính xác của đại diện các tổ chức phi chính phủ nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp các tổ chức này hoạt động có hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận các phát ngôn, chương trình hành động của những tổ chức phi chính phủ đi ngược lại mục đích, cam kết ban đầu, cố ý vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân Việt Nam. Những hành động sai trái  trên cần bị lên án và đấu tranh, ngăn chặn kịp thời./.


Tôi yêu Tổ quốc tôi!

     

          Tre Việt - Trần Quyết Chiến sinh năm 1984 là một trong những tay cơ hàng đầu Việt Nam, từng 4 lần tham dự World Cup Billiards và xếp hạng ba thế giới. Ngày 23/9, Trần Quyết Chiến được mời tham dự một sự kiện thi đấu giao hữu do Liên đoàn Billiards thế giới (UMB) phối hợp Liên đoàn Billiards và Snooker Trung Quốc (CBSA) tổ chức tại Thượng Hải. Giải đấu này có sự tham dự của 04 tay cơ hàng đầu thế giới ở nội dung carom ba băng, gồm: Dick Jaspers (Hà Lan), Tayfun Tasdemir (Thổ Nhĩ Kỳ), Cho Myung Woo (Hàn Quốc) và Trần Quyết Chiến của Việt Nam.

Cơ thủ Trần Quyết Chiến

       Ở ngày thi đấu đầu tiên, trận đấu giữa Trần Quyết Chiến và Dick Jaspers đã bị lồng ghép hình ảnh “đường lưỡi bò” trên sóng truyền hình. Cụ thể, trong quá trình diễn ra trận đấu của Trần Quyết Chiến và Dick Jaspers, truyền hình trực tiếp có chiếu chậm một đoạn lồng ghép hình “đường lưỡi bò”. Lúc này, do Trần Quyết Chiến đang thi đấu nên không thấy, nhưng sau đó anh đã được thông báo về hình ảnh vi phạm chủ quyền này. Ngay khi nắm được thông tin và trao đổi qua điện thoại với huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa, cơ thủ Trần Quyết Chiến quyết định bỏ giải và trở về nước (ngày 23/9), không thông báo lý do cụ thể với Ban tổ chức giải.   Hành động này của cơ thủ Trần Quyết Chiến được dư luận nhân dân Việt Nam đồng tình ủng hộ. Bởi, ý thức, lòng tự tôn dân tộc của Trần Quyết Chiến!

          Được biết, sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch Liên đoàn Billiards thế giới đề nghị Trần Quyết Chiến giải thích nguyên nhân bỏ giải. Và ngày 25/9, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Liên đoàn Billiards thế giới để nói rõ lý do Trần Quyết Chiến bỏ giải đấu ở Trung Quốc vì “đường lưỡi bò”; đồng thời, đề nghị Ban tổ chức giải phải tôn trọng các bên tham gia.

          Chúng ta đều biết, mặc dù Nhà nước, Nhân dân Việt Nam đã nhiều lần cực lực phản đối và không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc; nhiều nước trong khu vực cũng không công nhận việc phi lý này. Song đã rất nhiều lần Trung Quốc đã cố tình sử dụng hình “đường lưỡi bò” vào các tổ chức có sự tham gia của nhiều người, không phải chỉ có lần này. Hành động cơ thủ Trần Quyết Chiến bỏ giải đấu ở Trung Quốc vì “đường lưỡi bò” là câu trả lời cho Trung Quốc thấy sự thiếu tôn trọng chủ quyền Việt Nam. Đó là tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước để Trung Quốc và thế giới nhìn rõ về chủ quyền Việt Nam đã được thế giới công nhận! Chiến đã không màn danh tiếng, danh dự của mình để chọn lòng yêu nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quê hương mình, dù tự động bỏ giải có thể bị phạt. Nếu vẫn tiếp tục tham gia thi đấu, thì khác nào công nhận cái “đường lưỡi bò” phi lý đó, để nó được quảng bá rộng rãi, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, khi mà có một cơ thủ Việt Nam thi đấu quảng bá nó.

Thật là một hành động yêu nước, khi mà họ không tôn trọng ta, ta cần gì giải, ta cần Tổ quốc trên hết! Hành động này của Chiến sẽ nhắc nhở mọi người “Nên biết Tôi là ai và Tôi từ đâu tới”! Hoan hô Trần Quyết Chiến đã hành động đúng! Bởi, tinh thần dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc vẫn luôn là cao nhất, Anh đã là nhà vô địch yêu nước trong lòng chúng tôi!