Aug 15, 2018

Một số hoạt động của “Hội người có công với cách mạng Việt Nam”


Tre Việt - Với danh nghĩa Trưởng ban các ban liên lạc: Hội nạn nhân chất độc da cam Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Ban Liên lạc Hội người có công với cách mạng Việt Nam; Ban Liên lạc cựu chiến binh bộ đội công binh tỉnh Hà Tây, Nguyễn Ngọc Luân đã tích cực vận động các cá nhân, chủ yếu là cựu chiến binh, nhằm thành lập “Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam” trên toàn quốc. Hoạt động này được đẩy mạnh kể từ tháng 10/2016 với những hoạt động nổi bật như sau:
Soạn thảo các tài liệu: Quy chế làm việc (tạm thời) của Ban Liên lạc về việc thành lập Hội người có công với cách mạng Việt Nam; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Trung ương Hội người có công với cách mạng Việt Nam; Điều lệ Hội người có công với cách mạng Việt Nam; Công văn gửi Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung thông báo về việc thành lập Hội người có công với cách mạng Việt Nam. Cùng với đó là chuẩn bị và kèm theo nội dung trả lời phỏng vấn: Nhà báo - Đài truyền hình Thông tấn xã Việt Nam của Ban sáng lập - Thường trực Ban Liên lạc Người có công với cách mạng Việt Nam năm 2017.
Nguyễn Ngọc Luân đã đặt làm 1.000 huy hiệu Hội người có công với cách mạng Việt Nam với số tiền 35.000.000 đ (Ba mươi lăm triệu đồng). Đồng thời soạn thảo 02 bản Danh sách Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam và ký tên, đóng dấu với tư cách Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ, với chức vụ là Trưởng ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội da cam Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Trong danh sách những người tham gia Hội người có công với cách mạng Việt Nam đề nơi gửi gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục người có công.
Đáng chú ý, một số cán bộ cấp cao (đã nghỉ hưu) gồm cả cán bộ dân sự và cán bộ lực lượng vũ trang có tên trong danh sách trên cho biết “họ không biết gì về Ban Liên lạc trên, không tham gia và đề nghị các cơ quan chức năng làm . Điều đó cho thấy, Nguyễn Ngọc Luân đã mạo danh cán bộ cấp cao để thực hiện mục đích riêng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cán bộ cấp cao có tên trong danh sách mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Quân đội. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm việc làm sai trái của Nguyễn Ngọc Luân theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Nguyễn Ngọc Luân và các thành viên đẩy mạnh việc trao đổi, gặp gỡ trực tiếp và gián tiếp để tác động, vận động việc thành lập các ban liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam tại các địa phương trong cả nước; nhất là tại địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Sơn La, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng. Để lôi kéo người tham gia Ban Liên lạc người có công với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ngọc Luân và những thành viên sáng lập đã triệt để tận dụng các mối quan hệ, nhất là thông qua hoạt động của một số hội cựu chiến binh, hội nạn nhân chất độc da cam; tổ chức một số hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao tặng huy hiệu, kỷ niệm chương của các đơn vị cho các thành viên, nhất là những thành viên tham gia hội nạn nhân chất độc da cam, hội cựu chiến binh công binh khu vực tỉnh Hà Tây cũ. Khi tham gia các hoạt động này, Nguyễn Ngọc Luân nhiều lần mang mặc quân phục, đeo quân hàm Đại tá, sử dụng một lái xe riêng. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Luân thường cho lái xe đưa, đón khi mời được các đồng chí cán bộ cấp cao quân đội đã nghỉ hưu, nhất là các đồng chí cán bộ cấp tướng, đến dự các hoạt động do ông ta chủ trì.
Với những hoạt động như trên, cho thấy những người thành lập ra “Hội người có công với cách mạng Việt Nam” để nhằm mục đích riêng. Họ tùy tiện đưa tên cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu vào danh sách hòng kêu gọi nhiều người cùng tham gia, nhất là cựu chiến binh để thực hiện ý đồ xấu, như một số việc làm khuất tất của họ đã diễn ra trước đây. Vì thế, mọi người cần cảnh giác không tham gia hội này./.