Aug 11, 2022

Chăm sóc Người có công với cách mạng – Bản chất ưu việt của chế độ ta

            Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, thiết thực để chăm sóc người có công đối với cách mạng. Điều đó khổng chỉ thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, mà còn thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Ngay từ những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn đặc đặc biệt quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng (sau đây gọi chung là người có công với cách mạng).

Từ khi ngày 27/7 được xác định là Ngày Thương binh – Liệt sỹ (1947), hằng năm vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Từ năm 1975 đến nay, khi đất nước độc lập, thống nhất, Đảng, Nhà nước ta càng quan tâm hơn đối với người có công cách mạng cả về chủ trương, chính sách lẫn hành động thực tiễn. Hiến pháp năm 1992 trang trọng ghi nhận: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 và các Nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng,… Đặc biệt, năm 2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021) với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng nhằm tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Từ chủ trương, đường lối, chính sách đó, Đảng, Nhà nước ta đã hiện thực hóa trong thực tế bằng các hoạt động, như: “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Các chương trình lớn như “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi”,… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lâp, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công cách mạng, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hiện nay cả nước có trên 9,2 triệu người có công cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hàng năm, Nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng. Tính trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, số xã, phường làm tốt công tác thương binh – liệt sỹ liên tục tăng dần từ 96,6% năm 2017 đến năm 2021 là 99%; chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% năm 1917 đến năm 2021 là 98,6%. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Hằng năm, vào những ngày tháng 7 thiêng liêng, trên cả nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, từ các vùng sâu, vùng xa, bên giới, hải đảo người người đều thể hiện tình cảm thắm thiết của mình đối với người có công với cách mạng. Các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm chiến trường xưa, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, thành kính dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, luôn tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc, phủ nhận điều đó với mục đích nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở một số ít địa phương, họ đưa ra các luận điệu, bài viết, video trắng trợn với nội dung cóp nhặt, lập lờ, đánh tráo giá trị, đổi trắng, thay đen, tạo ra sự hoài nghi, gây xáo trộn tư tưởng, niềm tin của nhân dân. Họ phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của người có công với cách mạng. Họ cho rằng nền kinh tế – xã hội đất nước chậm phát triển là do quá quan tâm đến người có công với cách mạng (?!). Đặc biệt nguy hiểm hơn, họ kêu gọi, dụ dỗ tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội để lập ra các hội, nhóm cựu chiến binh, từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự…

Những luận điệu và hành động đó là hoàn toàn bịa đặt, phi lịch sử, nhằm mục đích đen tối, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm xói mòn thuần phong, mỹ tục, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là điều không thể chấp nhận được, vì rằng tất cả những điều mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã làm là thể hiện tình cảm sâu nặng đối với người có công với cách mạng, đó là bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng./.

(Nguồn: Hương Sen Việt)

 

Không thể xuyên tạc phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân

            Bản chất, âm mưu, thủ đoạn và hành vi sai trái, không thể chấp nhận

Xuyên tạc hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” là âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Lúc này, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nhiệm vụ cấp bách trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vì sao các thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta? Bởi vì, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam yêu nước, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Bác Hồ kính yêu là lãnh tụ tinh thần, là niềm tin, biểu tượng dẫn dắt dân tộc Việt Nam tiến lên. Quân đội ta do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, được bồi đắp những giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý, thiêng liêng, một báu vật vô cùng quý giá mà nhân dân dành riêng khen tặng Quân đội ta. Trên thế giới, không quân đội nào có được niềm vinh dự, tự hào ấy.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là một hệ thống chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác của người quân nhân cách mạng, trọn đời “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “tận trung với Đảng, trọn hiếu với dân”.

Để phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng; các thế lực thù địch phải tiến hành chiêu trò: Hạ bệ “thần tượng” Hồ Chí Minh, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho hình tượng về Người mất đi tính chất thiêng liêng, sự trân trọng, giá trị kiểu mẫu. Từ đó, các thế lực thù địch hy vọng tình cảm, niềm tin; sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn, kính trọng của nhân dân ta đối với Bác Hồ sẽ không còn và đi liền với đó, là sự hạ bệ, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng đố với Quân đội.

Để hạ bệ “thần tượng” Hồ Chí Minh, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, các thế lực thù địch còn thực hiện âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội; phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bài xích, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội và Nhân dân. Cùng với đó, lợi dụng một số vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật của một số quân nhân trong Quân đội để thổi phồng khuyết điểm, làm suy giảm niềm tin, tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc, chở che của nhân dân đối với “Bộ đội Cụ Hồ”.

Khi Quân đội ta xung kích đi đầu, xả thân hy sinh cứu dân, giúp đỡ nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn, dịch bệnh, nhưng kẻ xấu vẫn trơ tráo xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận những cố gắng, sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Hạ thấp vai trò của quân đội trong giúp dân, cứu dân, kẻ thù muốn Quân đội ta chỉ như những người lính nhà nghề, “đánh thuê”, không còn những nhiệm vụ từ mệnh lệnh trái tim; phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Đó là cái đích cuối cùng họ hướng đến để thực hiện “phi chính trị hóa” Quân đội, gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ra khỏi Quân đội. Chúng ta cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc bản chất sự việc và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc, phản động ấy.

Tiếp tục bồi đắp, lan tỏa phẩm chất và hình ảnh cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” – Bộ đội của dân trong thời kỳ mới

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

(1). Tích cực giữ gìn, vun đắp, xây dựng, bảo vệ và lan tỏa hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, làm cho tài sản mang giá trị tinh thần, nhân văn này sống mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tuyệt đối không cho phép, không chấp nhận bất kỳ một cá nhân, tổ chức và thế lực nào vu khống, bôi nhọ giá trị phẩm chấ, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hạ bệ “thần tượng” Hồ Chí Minh. Chủ động, tích cực đấu tranh, ngăn chặn những hành vi bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc làm tổn hại đến giá trị thiêng liêng, phẩm chất, nhân cách, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” cao quý.

(2). Phát huy và chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục và lan tỏa mạnh mẽ những giá trị phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tình hình mới.

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu bình dị mà cao quý được nhân dân khen tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội, là báu vật thiêng liêng nhân dân trao cho Quân đội ta nên toàn quân, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn trân trọng, nâng niu, giữ gìn như giữ gìn điều thiêng liêng nhất, tài sản lớn nhất của đời mình, là lương tâm và danh dự của người quân nhân cách mạng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa của việc phấn đấu, rèn luyện để mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” – Bộ đội của dân. Luôn “tự soi”, “tự sửa”, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, đến danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” cao quý.

Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, phát triển các tiêu chí, chuẩn mực giá trị, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, gắn với xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa; xây dựng các chuẩn mực, tiêu chí người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta cũng một lòng một dạ tận trung với Đảng, trọn hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

(3). Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chủ động phòng, chống âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; “phi chính trị hóa” Quân đội; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

(4). Gương mẫu thực hiện đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của đơn vị, đặt lợi ích của nhân dân và lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết và trước hết. Mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm nêu gương. Nói đi đôi với làm, dám nhận và chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra thuộc phạm vi mình phụ trách. Đề cao tự phê bình và phê bình, thẳng thắn, dũng cảm nhận khuyết điểm và nghiêm túc sửa chữa, khắc phục, phấn đấu tiến bộ với mục đích và động cơ trong sáng. Thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Xây dựng đoàn kết nội bộ, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân; có thần quốc tế trong sáng.

(5). Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện hạ thấp, xuyên tạc hình ảnh, giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ và những biểu hiện phủ nhận sự hy sinh, cống hiến, vì dân, vì nước của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bảo vệ, giữ gìn và lan tỏa phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng sính ngoại, đề cao vật chất, xem nhẹ, hạ thấp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; suốt đời “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyện tạc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

(6). Bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết thống nhất, chủ động rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, trở thành tấm gương mẫu mực về mọi mặt để nhân dân tin tưởng, yêu thương và học tập. Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm minh cả về đạo lý và pháp lý đối với những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Xử lý nghiêm những người cố tình tung tin, bài viết, video clip với những nội dung xấu, độc trên mạng xã hội nhằm xuyên tạc, nói xấu, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Quân đội với mọi biểu hiện, hành vi và động cơ chính trị đen tối, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quá trình xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”. Bổ sung, hoàn thiện những quy định chặt chẽ hơn, các chế tài nghiêm khắc hơn, khung hình phạt cao hơn với những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội./.

(Nguồn: Hương Sen Việt)