Apr 5, 2015

Thiển cận

           TRE VIỆT - Vài ngày nay, trang Danlambao mở mục thi viết “Cộng sản và tôi”, mở đầu Cuộc thi là bài: “Ngày của tháng 4 đen” của người có bút danh là EmSAIGON. Đọc bài viết thấy tác giả kể lể về những ngày đầu Sài Gòn giải phóng với nhiều kỷ niệm muốn ôm lấy cái thây ma chết rữa - Sài Gòn. Vì những hào nhoáng mà Sài Gòn có được không phải do tự mình mà do nhận của bố thí từ Mỹ. Ấy thế, mà tác giả bài viết cứ hết lời ngợi ca và chê Bộ đội giải phóng lúc mới tiếp quản Sài Gòn.
          Họ ca ngợi Sài Gòn “với nhà lầu xe hơi, trai thanh gái lịch, phố xá sang trọng, dân chúng hiền hòa cởi mở..., miền Nam giàu có tự do hạnh phúc” (!) Có đúng vậy? Đúng là thủ đô của Việt Nam Cộng hòa nên Sài Gòn có nhiều nhà tầng, xe hơi là tất yếu, có nhiều trai thanh gái lịch cũng là điều bình thường. Bộ đội Cụ Hồ do phải ở rừng, ở xa trung tâm thành phố lâu ngày nên khi tiến về Sài Gòn có ngạc nhiên khi ngắm nhìn thành phố cũng là điều không khó hiểu. Điều đó cũng giống như người thành phố về rừng núi cũng mải mê ngắm nhìn sự kỳ vĩ của thiên nhiên vậy. Hai trường hợp trên giống nhau, chẳng có gì xấu cả. Còn có đúng “miền Nam giàu có tự do hạnh phúc” không? Vào thời điểm đó cũng có thể coi Sài Gòn giàu có, nhưng không phải có tự do, hạnh phúc. Giàu có, tự do, hạnh phúc chỉ có ở một số người, chứ không phải ở quảng đại quần chúng. Chính vì vậy, Thượng sĩ Donald Duncan là một người có tư tưởng chống cộng cứng rắn trước khi đến nước ta, nhưng khi rời khỏi Việt Nam con người đó đã thay đổi. Những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Việt NamDuncan cảm nhận được đã thôi thúc xuất bản một bản cáo trạng về cuộc chiến tranh đăng Tạp chí Ramparts (tháng 02-1965). Trong đó, có đoạn: “Tôi đã phải chấp nhận rằng… đại đa số người dân là những người ủng hộ Việt Cộng và chống lại chính quyền Sài Gòn. Tôi cũng phải chấp nhận rằng quan điểm: “Chúng tôi ở Việt Nam bởi vì chúng tôi thông cảm với những khát vọng và ước muốn của người dân Việt Nam”, là một lời dối trá”[1]. Nếu người dân được tự do, hạnh phúc thì làm sao có chuyện như Duncan nhận xét ở trên.
Họ chê Thành phố lúc mới giải phóng: “với cảnh chen chúc xếp hàng mua thực phẩm”, các tổ dân phố “họp hành liên miên”, cơ quan thì “kiểm điểm”, v.v. Với bộn bề của Thành phố mới giải phóng để làm rõ trắng - đen thì phải họp, kiểm điểm nhiều là điều khó tránh khỏi ở mọi quốc gia, dân tộc không riêng ở miền Nam Việt Nam. Và do thực hiện chế độ bao cấp, kế hoạch hóa tập trung mà chưa thực hiện cơ chế thị trường nên phải xếp hàng mua hàng hóa. Vì thế, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhận thấy sự bất cập của cơ chế cũ nên chuyển sang cơ chế thị trường như hiện nay, hàng hóa tràn ngập, chỉ không có tiền mà mua thôi. Ai mua nhiều còn được khuyến khích, giảm giá nữa đấy! Họ ca ngợi Sài Gòn có nhiều nhà lầu, xe hơi, vậy hãy mở mắt thật to để thấy thành phố mang tên Bác hiện nay với Sài Gòn 40 năm trước khác nhau như thế nào? Thành phố mang tên Bác hiện nay có khang trang, hiện đại hơn nhiều so với Sài Gòn trước đây không? Họ thật thiển cận mà không thấy có được thành quả như ngày nay là do sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác.
          Họ còn tỏ ý chê bai anh Bộ đội mua hàng hóa ở Sài Gòn (lúc này đã mang tên thành phố Hồ Chí Minh): “Thế là anh giải phóng,… đi chợ Sài Gòn, mua chi... mua chi”. Chuyện mua bán cũng là bình thường, người có tiền, người có hàng có nhu cầu mua bán thì hành vi mua bán được thực hiện. Xã hội nào, thời nào mà chẳng vậy. Đúng là “không ưa thì dưa có dòi”. Anh giải phóng mua bán đàng hoàng mà chúng làm như là ăn cướp không bằng. Như thế cũng thấy cái tâm “trong sáng” của người viết. Điều đó báo hiệu sự thất bại của cuộc thi của mấy người bảo thủ, “cố đấm ăn xôi”, không chịu đồng tâm, hiệp lực cùng nhân dân cả nước xây dựng đất nước giàu mạnh./.



[1] - Joe Allen - Việt Nam cuộc chiến thất bại của Mỹ, Nxb Công an nhân dân, H.2009,  tr. 275 - 276.