Tre Việt - Ngày 20/1, Đài VOA tiếng Việt đăng bài: “CPJ: Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới”. Theo bài viết, Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ) cho biết có tới 19 nhà báo ở Việt Nam đã bị bỏ tù tính đến cuối năm 2023 vì công việc của họ. Báo cáo gọi đây là xu hướng đáng lo ngại nhằm dập tắt những tiếng nói độc lập. Đây là sự xuyên tạc về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Nhận thức rõ
vai trò, tầm quan trọng của báo chí, tuyên truyền đối với công cuộc xây dựng,
phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam
luôn coi trọng tự do báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng hành
cùng dân tộc. Về mặt pháp luật, Điều 25 của Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,... Việc thực
hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cùng với đó, Việt Nam đã ban hành Luật
Báo chí năm 2016 và các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành,... tạo
hành lang pháp lý đầy đủ để báo chí phát triển, hoạt động trên lãnh thổ Việt
Nam và có sự phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền
thông, hiện nay, Việt Nam có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp
chí; trong đó, có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân
Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài
Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Số lượng nhân lực làm việc trong
lĩnh vực báo chí là hơn 42.400 người.
Trên thực tế,
báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, tham gia phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; củng cố, tăng cường quốc phòng, an
ninh; tuyên truyền nhân rộng những mô hình, tấm gương điển hình, cách làm hay,
sáng tạo trong cộng đồng, xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, v.v.
Đặc biệt, báo chí đã phát huy tốt vai trò là kênh giám sát, phản biện xã hội,
giúp Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp có những điều chỉnh, bổ sung chủ
trương, đường lối, chính sách để theo kịp sự phát triển của thực tiễn; tháo gỡ,
giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập, bất hợp lý mà xã hội đặt ra.
Có thể thấy rằng
đời sống báo chí ở Việt Nam là bức tranh vô cùng sinh động mà ở đó, mọi công
dân được tự do ngôn luận, tự do báo chí, được bày tỏ ý kiến của mình,... nhằm
xây dựng, phát triển xã hội, đất nước ngày càng dân chủ, phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên,
cũng như các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam cũng có những công dân không biết
đủ, luôn đòi hỏi sự tự do, dân chủ vô chính phủ, tự do tùy tiện, đứng ngoài
pháp luật. Họ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đơn cử, như 05 thành viên của
nhóm “Báo Sạch” nhưng họ lại “không sạch” khi đã phạm tội: “Lợi dụng các quyền
tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân”. Cơ quan điều tra đã xác định, họ đã làm, đăng tải hàng chục bài viết,
video clip có tư tưởng phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung
không phù hợp với lợi ích đất nước; xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Trong đó, nhiều bài viết quy chụp, suy diễn một chiều nhằm tuyên truyền, xuyên
tạc, vu khống, xúc phạm các cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức. Hành vi của
họ đã xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước,
quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định
trong xã hội. Như vậy chắc chắn rằng, không riêng ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc
gia nào, những con người đó đều sẽ bị xét xử theo pháp luật nước sở tại là điều
không có gì phải bàn cãi.
Thế nhưng, CPJ
lại cố tình “đánh tráo khái niệm”, lên tiếng bảo vệ những con người sai trái, dựa
vào đó để đánh giá sai lệch về tình hình báo chí ở Việt Nam. Vậy phải chăng những
người cầm đầu CPJ đang cố tình bao biện, bảo vệ cái sai, đi ngược lại đạo đức
người làm báo và chính tôn chỉ, mục đích mà họ đề ra./.