Feb 12, 2020

Câu trả lời cho tình hình nhân quyền Việt Nam



Tre Việt – Chiều ngày 12-02-2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn, thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với số phiếu đồng thuận áp đảo. Như vậy, việc thông qua 02 Hiệp định này đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế địa chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, mang đến tin vui, tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong những năm tới. Hơn thế nữa, đây còn là câu trả lời chính xác, khách quan, thỏa đáng nhất cho các nhà tự gọi là đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước và đang sống lưu vong ở nước ngoài cũng như một số nghị sĩ, dân biểu, tổ chức quốc tế mà lâu nay vốn có ác cảm, thâm thù với chế độ, nhân dân nên hay “quan tâm”, soi mói tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn, thông qua các hiệp định trên chính là dựa trên sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm việc thực thi đầy đủ, thực chất các quyền của con người. Không những thế, còn khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn chủ động trong việc hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, đã có một bộ phận công dân đã nhận thức lệch lạc, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc nên họ bị các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây là việc làm hết sức bình thường để duy trì trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ của riêng Việt Nam mà với bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy. Song, những phần tử bất mãn, tiêu cực, phản động đã cố tình không nhận ra chân lý đó. Mà ngược lại, chúng triệt để lợi dụng việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật đó của cơ quan chức năng, các sự việc, sự kiện xảy ra để lu loa rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền rồi tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn tình hình trên các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, cộng đồng quốc tế; lôi kéo sự ủng hộ của một số nghị sĩ, dân biểu, tổ chức quốc tế vốn có thâm thù với chế độ, nhân dân,... làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người, thậm chí can dự vào công việc nội bộ, ngăn cản, trì hoãn việc phê chuẩn, thông qua các hiệp định thương mại với Việt Nam.
Nhưng giờ đây, mọi việc đã rõ như ban ngày, chân lý thuộc về lẽ phải. Những kẻ lâu nay tự gọi mình là nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đã bộc lộ bản chất, hiện nguyên hình là những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”. Vì thế, chúng sẽ bị chính guồng quay của “bánh xe” lịch sử nghiền nát, chôn vùi mà thôi./.

Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam - EU được thông qua với số phiếu áp đảo



Tre Việt - Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua hai hiệp định riêng trong EVFTA, gồm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). EVFTA là hiệp định được đánh giá là toàn diện nhất giữa EU với một nước đối tác đang phát triển. 
18h chiều nay (12/2 - giờ Hà Nội), tại Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trong đó, FTA nhận được 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Tỷ lệ này với IPA là 407/188/53.
Sau hôm nay, khi được Hội đồng châu Âu phê chuẩn, FTA sẽ có hiệu lực. Còn IPA cần sự chấp thuận của toàn bộ các nước thành viên EU.

Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành.
Sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất, hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai.
Cuối tháng 1, Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu đã thông qua hai hiệp định này với số phiếu đồng thuận cao. Đây được coi là bước đệm quan trọng giúp Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được thông qua trong buổi bỏ phiếu tại EP hôm nay. 
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho rằng, việc hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn là một bước tiến, mở ra cơ hội phát triển lớn cho xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường của hàng hoá Việt Nam. Ông Hải nói, kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD năm 2019 là kết quả của mở cửa thị trường, cho thấy Việt Nam bước đầu tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký, đem lại. Riêng với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Nhưng với EVFTA, ông lưu ý, nếu doanh nghiệp không sớm nghiên cứu, có chiến lược với từng mặt hàng, thị trường thì sẽ khó tận dụng lợi thế, cơ hội hiệp định thương mại thế hệ mới này đem lại.
Ông dẫn chứng, với mặt hàng nông sản, trái cây, không phải khi đã có hiệp định thương mại là sẽ bán được tại các thị trường này, dù được hưởng thuế ưu đãi. Muốn vào được những thị trường khó tính, như EU, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được quy trịnh khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá và chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới vượt qua được "tường lửa" quy định để chinh phục thị trường này.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế./.
(Nguồn Tin nhanh VNEXPRESS)