Tre Việt – Ngày 06/11, trang facebook Chân Trời Mới Media đăng status “Việt Nam áp chót bảng xếp hạng tự do báo chí”, công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022” của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Với thang điểm là 100, trong đó họ cho điểm tự do báo chí của Việt Nam là 26.11 và xếp hạng 174/180.
Cần khẳng định rằng, việc RSF xếp hạng 174/180 cho Việt Nam là thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tiễn đời sống báo chí hết sức sinh động ở Việt Nam. Bởi vì: những năm qua, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể được thụ hưởng. Từ rất sớm, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đã được hiến định tại Điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946): “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành (năm 2013) tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có những quy định cụ thể về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các đạo luật này còn có những quy định cụ thể về hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,… đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Như vậy, về mặt pháp luật, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.
Trong thực tiễn, báo chí ở Việt Nam luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan báo chí của Việt Nam thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tuyên truyền nhanh, đầy đủ, chính xác các tin tức sự kiện, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phát hiện và phản ánh trung thực gương tốt, việc tốt, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, mô hình hiệu quả, những biểu hiện tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; qua đó, cổ vũ cán bộ, đảng viên, quần chúng, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí in và điện tử, hơn 70 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cả nước có hơn 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có hơn 17.000 người được cấp Thẻ Nhà báo, v.v. Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người (chiếm 70% dân số), v.v.
Thực tiễn đời sống báo chí hết sức
sinh động ở Việt Nam là minh chứng khẳng định: bảng xếp hạng tự do báo chí năm
2022 của tổ chức tự xưng vì “nhân quyền”
(RSF) là “tào lao”, không khách quan, thiếu trung thực. Vì vậy, mọi người hãy cẩn
trọng khi tiếp cận thông tin này. Nhân đây, Tre Việt của khuyên RSF hãy hãy chấm
dứt ngay hành động vô ích và lố bịch này./.