Nov 11, 2021

HRW đang “lú lẫn”

           Tre Việt - Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ là hoạt động thường niên giữa hai quốc gia, nhằm thông báo cho nhau những nỗ lực, thành tựu cũng như các thách thức của mỗi nước trong việc thúc đẩy, bảo đảm các quyền con người và các vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, quá trình cải cách tư pháp, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, v.v. 

       Những năm qua, Việt Nam luôn thiện chí, cởi mở, chân thành đóng góp, thực hiện những vấn đề về nhân quyền. Năm 2021, Đối thoại Nhân quyền song phương Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 25 diễn ra ngày 09/11 tại thủ đô Washington DC. Lợi dụng sự kiện này, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã ra thông cáo báo chí và nội dung được facebook Việt Tân đăng tải trong bài “HRW kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến nhân Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ”. Bài viết dẫn nội dung trong thông cáo báo chí có đoạn: “HRW kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến nhân Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ. Những người bị Chính phủ Việt Nam bắt giữ trong năm 2021 vì lên tiếng ôn hòa về nhân quyền”. Đối chiếu với thực tế đang diễn ra ở Việt Nam cho thấy HRW đang “lú lẫn”. Bởi:

Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong năm 2021 cũng như trước đây không hề bắt giữ công dân trái với quy định của pháp luật, ngược lại Việt Nam luôn tôn trọng, nỗ lực bảo đảm các quyền của công dân, như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, v.v. Chỉ có những người lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền, có hành động tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước hay xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ, điều tra, xét xử, xử lý đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đơn cử, trường hợp công dân Nguyễn Thúy Hạnh được HRW nhắc tới, cơ quan điều tra đã chỉ ra rằng: bà Hạnh đã phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, được quy định tại Điều 117 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy thử hỏi, những người phạm tội như trên ở Mỹ, theo luật của các Bang, hoặc Liên bang có bị xử lý không? Xin nhắc để cho HRW rõ: không có quốc gia nào trên thế giới bỏ qua, không xét xử, xử lý loại tội phạm chống phá nhà nước, quốc gia mình; thậm chí có quốc gia còn có những hình phạt rất nặng, rất khảm khốc. Do đó, bị bắt giữ phục vụ điều tra, xét xử Nguyễn Thúy Hạnh là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Bởi, hành động, việc làm của bà Hạnh không thể gọi là “lên tiếng ôn hòa về nhân quyền”.

Cũng trong bài viết, HRW còn yêu cầu “Chính phủ Hoa Kỳ cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền sắp đến (diễn ra vào ngày 09/11) để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những tiếng nói bất đồng đang bị giam giữ,…”. Điều này một lần nữa khẳng định HRW với dụng ý xấu, cố tình “lú lẫn”, không biết mình là ai nên mới có hành động thúc giục, yêu cầu những việc phi lý, thiếu cơ sở đối với Chính phủ Hoa Kỳ để thúc ép Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trong khi đó, Việt Nam - Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng được củng cố, tăng cường. Vì thế, HRW sẽ không bao giờ đạt được mục đích, chỉ tốn công, vô ích như “dã tràng xe cát Biển Đông”  mà thôi./.