Dec 18, 2023

Không thể bôi đen được sự thật

           Tre Việt - Dù chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đã thành công tốt đẹp, song trong những ngày qua, các trang mạng xã hội của tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, như: Việt Tân, Tiếng Dân News, RFA, VOA Tiếng Việt, Nguyễn Văn Đài, Mạc Văn Trang,... vẫn xuất hiện với tần xuất dày đặc những thông tin nhằm suy diễn, bịa đặt và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của chuyến thăm hữu nghị này. Họ xuyên tạc  rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào vòng kim cô, vào cái thòng lọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

          Cần khẳng định rằng: chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của đồng chí Tập Cận Bình và Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả hai Đảng, hai Nước. Hai bên đều coi đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng. Phía Trung Quốc đã cân nhắc, tính toán rất kĩ về thời điểm tổ chức chuyến thăm Việt Nam, hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Đây là hoạt động thăm nước ngoài cuối cùng của đồng chí Tập Cận Bình trong năm 2023 - năm đầu tiên Trung Quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam xác định quan hệ với Đảng, Nhà nước Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 01/11/2022, ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, để lại dấu ấn lịch sử cho quan hệ hai Đảng hai Nước.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông của Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế đều có chung đánh giá: chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả lớn, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng như đối với uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm lần này, đồng chí Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, v.v.

Lãnh đạo hai Đảng, hai Nước nhất trí đánh giá quan hệ hai Đảng, hai Nước đã phát triển tích cực và toàn diện. Trên sơ sở quan hệ truyền thống hai Đảng, hai Nước với phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, cũng như sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhất trí tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Cùng với đó lãnh đạo hai Đảng, hai Nước cũng nhất trí thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước dựa trên cơ sở tuân thủ hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, các chuẩn mực của quan hệ quốc tế, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Tuyên bố chung đã đề ra 06 phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Tuyên bố chung và những nhận thức chung trong các cuộc hội đàm cấp cao đã đề ra khuôn khổ, nội dung hợp tác rất toàn diện. Về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu cấp cao có ý nghĩa chiến lược, mối quan hệ có tính chất đặc thù của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Về trụ cột hợp tác an ninh, quốc phòng, hai bên nhất trí tiếp tục phát huy các cơ chế hơp tác song phương hiện có, như tuần tra chung giữa cảnh sát biển và hải quân, các lực lượng biên phòng, hơp tác đào tạo nhân lực, có thêm những cơ chế mới trong lĩnh vực phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác. Về hợp tác phát triển, hai bên đã thống nhất rất nhiều nội dung hợp tác cụ thể, như vấn đề xuất khẩu nông sản và hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, các lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên cùng quan tâm, như kinh tế số, phát triển xanh,… cùng với đó, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho việc phát triển quan hệ song phương bền vững, lành mạnh. Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đánh giá hợp tác song phương và đa phương trên Biển Đông trong thời gian qua có nhiều bước phát triển tích cực, nhưng đồng thời vẫn còn tồn tại những bất đồng do lịch sử để lại, nêu rõ quan điểm trước sau như một của Việt Nam, khẳng định quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên cơ sở tuân thủ nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nước, tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thúc đẩy các cơ chế đàm phán hiện có, tránh những hành động làm phức tạp tình hình.

Hai bên đã ký 36 văn kiên hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở các cấp Trung ương và địa phương, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước. Qua chuyến thăm lần này, Đảng và Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn những thành tựu Việt Nam đã đạt được, đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó có “ngoại giao cây tre”, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam. Sự thực trên khẳng định dù các thế lực thù địch có ra sức xuyên tạc cũng không thể bôi đen được đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam./.

Khi người dân tin tưởng và đồng thuận

           Tre Việt - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, đánh dấu chương mới trong quan hệ giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, kênh tiếng Việt của một số đài quốc tế, như: RFA, VOA, BBC,… lạiđăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về sự kiện này. Điển hình là ngày 12/12, kênh tiếng Việt Đài RFA đăng bài: “Đàn áp” làm giới bất đồng chính kiến im lặng về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình”, vu cáo trắng trợn, suy diễn vô căn cứ đối với các cấp chính quyền Việt Nam trong việc “đàn áp” công dân Cần bị vạch trần, lên án.

Chúng ta đều biết, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của khoa học và công nghệ. Để không bị bỏ lại phía sau, các quốc gia trên thế giới phải tăng cường quan hệ, hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Và, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với tất cả các nước, tổ chức quốc tế  khi tôn trọng độc lập, chủ quyền, có thiện chí, muốn hợp tác để cùng phát triển. Đặc biệt, trong năm 2022, 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của quan hệ ngoại giao, khi Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước, như: với Hàn Quốc (tháng 12/2022), Mỹ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023). Cũng trong thời gian này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyến công tác, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới; đồng thời, nhiều nguyên thủ các quốc gia cũng đã đến thăm, làm việc tại Việt Nam, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thông qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (có cả 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc); trong đó, hơn 30 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; 06 nước là đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản).

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, song Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, không chịu sự chi phối, gây áp lực bởi bất kỳ quốc gia nào, thế lực nào. Đây là chân lý không thể thay đổi và được dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giải quyết, khắc phục những bất cập, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra để xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, đẩy mạnh quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để làm trong sạch bộ máy. Cấp ủy, chính quyền các địa phương sâu sát, gần dân, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân để điều chỉnh, giải quyết kịp thời những vướng mắc. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân nên nền kinh tế đất nước vẫn phát triển, tăng trưởng khá. Từ đó, có tiềm lực để tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2023 và dự kiến thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển đối ngoại của đất nước đã làm cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, RFA cho rằng: Sự đàn áp khốc liệt của chính quyền khiến những người bất đồng chính kiến không thể hiện những hành động cụ thể phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là không có cơ sở, là sự vu cáo, suy diễn vô căn cứ với dụng ý xấu. Bởi, bản chất của họ là khi thấy tình hình đất nước yên ổn, thì lại “bới lông tìm vết”, tung tin kích động, xuyên tạc để nói xấu chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.