Oct 3, 2018

Giới thiệu bí thư bầu làm chủ tịch chính quyền các cấp là yêu cầu khách quan của Việt Nam


           

Tre Việt - Ngày 01-10-2018, trên RFA có bài viết nói về việc Việt Nam sẽ thực hiện “nhất thể hóa” chức danh Bí thư và Chủ tịch là một, trong đó có đoạn viết: “Thực ra vấn đề nhất thể hóa… không có gì là mới, mà nó chỉ là sự sao chép của mô hình Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng từ nhiều năm nay”. Đây là nhận định thiếu khách quan, xuyên tạc, hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Trước hết, phải khẳng định rằng, từ khi ra đời đến nay, mọi đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đều do Đảng độc lập, tự chủ xây dựng, trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, phù hợp với thực tiễn của đất nước, thế giới. Tuy nhiên, có sự nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Điều này, không chỉ Việt Nam, mà các nước đều có sự học hỏi lẫn nhau. Đó là tất yếu, là quy luật của cuộc sống, không có gì là xấu.
          Còn về việc thực hiện giới thiệu bí thư cấp ủy đảng để bầu làm chủ tịch chính quyền các cấp là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước, đã được Đảng xác định từ trước, cụ thể: Kết luận 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị (khóa XI), “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, v.v. Tiếp đó, Đại hội XII đề ra nhiệm vụ: “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”. Trên tinh thần đó, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Sau đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24-11-2017, “Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, v.v. Trong các nghị quyết nêu trên, mục tiêu tổng quát là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, v.v. Trước đó, việc thực hiện giới thiệu bí thư cấp ủy đảng để bầu làm chủ tịch chính quyền đã được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo làm trước ở Quảng Ninh và một số địa phương để rút kinh nghiệm và đạt được kết quả tốt. Đó là cơ sở để Đảng lãnh đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương xuống cơ sở, nếu nơi nào đảm bảo đủ điều kiện.
          Từ những cơ sở trên cho thấy, việc thực hiện giới thiệu bí thư cấp ủy đảng để bầu làm chủ tịch chính quyền là hoàn toàn xuất phát từ quan điểm, đường lối, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, có sự nghiên cứu, bước đi cụ thể, hiệu quả, chứ không hề “sao chép” như trên RFA viết./.