Nov 14, 2013

Sự thật đã khai tử “bản kiến nghị” mạo danh, dựng chuyện

Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sáng 13-11-2013 (theo giờ Việt Nam) đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhân dịp này, bạn đọc Phú Diễn gửi cho Tre Việt bài viết sau, xin giới thiệu cùng bạn đọc:

Sự thật đã khai tử “bản kiến nghị” mạo danh, dựng chuyện

Trong khi những người yêu chuộng công lý trên thế giới đang ủng hộ Việt Nam trở thành một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì người ta lại thấy xuất hiện trên các trang mạng xã hội bản “kiến nghị chung” xưng danh là “những dân biểu quốc hội, những nhà đấu tranh cho nhân quyền và những tổ chức phi chính phủ”, kêu gọi công khai phản đối tư cách của Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tháng 11 năm 2013. Với thói quen bịa đặt, dựng chuyện, họ cứ thêm thắt, thổi phồng và làm biến dạng những thông tin chưa được kiểm chứng để vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền; vẫn theo cách thức gắn kết, quy chụp, như: khi có đối tượng nào đó vi phạm pháp luật, bị pháp luật Việt Nam xử lý, nếu là người có đạo thì họ áp đặt “Việt Nam đàn áp tôn giáo”; là người dân tộc thiểu số thì cho rằng “đàn áp dân tộc thiểu số”, rồi lu loa “Việt Nam đàn vi phạm nhân quyền”,… kèm theo những lời “năn nỷ” với hy vọng có thêm đồng bọn cùng lên giọng phản đối, chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc làm đó cũng chẳng ai thèm điếm xỉa đến; bởi lẽ, chưa ai quên những chiêu bài mạo danh, dựng chuyện kiểu này, như “bản góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992” do họ tự soạn thảo, mạo danh chữ ký của người dân ở Hà Tĩnh, Thái Bình,… gửi Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp, yêu cầu Quốc hội hủy bỏ Điều 4; rồi đến chuyện bịa đặt về Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực “gầy trơ xương” của những kẻ “bất đồng chính kiến” tự update lên những website, blog cá nhân. Theo đó, một số cơ quan truyền thông, như: BBC, RFA, VOA,... cũng theo đóm ăn tàn kích động dư luận, nhằm làm giảm uy tín và hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trước dư luận quốc tế. Nhưng, tất cả đều bẽ bàng, trước sự thật khi được các cơ quan chức năng phanh phui, vạch trần mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam. Tưởng chừng sau những lần đó, họ sẽ cải tà quy chính, nhưng “ngựa cũ vẫn theo đường mòn”, lại tiếp tục tạo dựng “bản kiến nghị chung” gửi Đại sứ Hoa Kỳ Samantha Power và Cao ủy đối ngoại Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton có hành động để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Cùng với đó, còn có hàng loạt tin, bài đủ loại tố cáo tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Vượt lên tất cả, Việt Nam vẫn quyết định ứng cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong báo cáo ngày 27-8 mà Việt Nam trình lên Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố rõ: Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền trong tư cách ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền như “quyền và quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam được tôn trọng và đảm bảo”, “việc thúc đẩy nhân quyền được cụ thể hóa trong hiến pháp và luật pháp của Việt Nam”, và “quyền tự do biểu đạt ý kiến trên in-tơ-nét được tăng cường”,v.v.
Sự khẳng định đó đã được ghi nhận, dẫu ai có xuyên tạc như thế nào cũng vẫn không thể phủ định được và một sự thật đáng buồn cũng đã đến với những kẻ mạo danh, dựng chuyện là: vào sáng 13-11-2013 (theo giờ Việt Nam), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa (2014 – 2016), Việt Nam là quốc gia ứng cử giành được số phiếu cao nhất trong Cuộc bỏ phiếu lần này. Ðây là sự kiện hết sức quan trọng không chỉ chứng minh uy tín và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mà còn là lời cảnh báo đối với các thế lực thù địch, dù thực hiện nhiều mưu mô đen tối, thiếu thiện chí như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể đánh tráo được sự thật đầy thuyết phục về thành tựu nhân quyền của Việt Nam.
Sự kiện Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thực sự là bản án, tuyên: khai tử “bản kiến nghị” mạo danh, dựng chuyện của “những dân biểu quốc hội, những nhà đấu tranh cho nhân quyền và những tổ chức phi chính phủ”.
      PHÚ DIỄN