Sep 25, 2016

“YÊU CẦU” PHI LÝ CỦA TỔ CHỨC THEO DÕI NHÂN QUYỀN (HRW)

Tre Việt - Ngày 20-9-2016, Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 20 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Thị Thêu về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lợi dụng việc này, Ông Phil Robertson - Phó Giám đốc đặc trách Á châu sự vụ cho Đài Á châu Tự do của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW), có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ lại đưa ra quan điểm cho rằng: “Nhà nước Việt Nam đã tội phạm hóa những người dân oan, đó là một trong những vi phạm cam kết của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”. Như vậy, Ông đã tự cho mình cái quyền: “yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện ngay lập tức dân oan Cấn Thị Thêu”.
Cấn Thị Thêu
Thật phi lý và nực cười!
 Ông Phil Robertson và HRW phải biết rằng: tại Việt Nam biểu tình và tự do ngôn luận là hai quyền được Hiến pháp 2013 ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực thi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt những quyền này có thể bị hạn chế, quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; Điều 7 Nghị định 38/2005-CP quy định: “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký”.
Như vậy, việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Cấn Thị Thêu là một việc làm hết sức bình thường của cơ quan hành pháp. Phiên tòa được mở công khai và thực hiện đúng trình tự theo đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử đã công bố những dữ liệu, chứng cứ không thể chối cãi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Cấn Thị Thêu. Hành vi phạm tội của Cấn Thị Thêu là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự nơi công cộng, gây cản trở giao thông, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước đó, Cấn Thi Thêu đã có 01 tiền án 15 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” và 04 tiền sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, Cấn Thị Thêu không lấy đó làm bài học, mà lại tiếp tục phạm tội mới, điều đó thể hiện ý thức coi thường pháp luật của Thị. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo cũng như phòng ngừa chung. Trên cơ sở đó, Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng” là xác đáng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.
 Việc đó rõ như ban ngày, ai cũng biết, ai cũng hiểu! Hà cớ gì mà Ông Phil Robertson và HRW lại cố tình không biết, không hiểu để vu cáo Nhà nước Việt Nam: “vi phạm Công ước quốc tế về quyền con người”? Thử hỏi Ông Phil Robertson và HRW: có luật pháp nước nào, đặc biệt là Hoa Kỳ dung thứ, không xử lý những kẻ phạm tội không? Tiện đây cũng xin nhắc để “Quý vị” nhớ: ngay tại Mỹ, mặc dù có Luật Biểu tình, song người biểu tình cũng chỉ được tổ chức trong khuôn khổ, giới hạn cho phép chứ không phải muốn thế nào cũng được; đặc biệt, là những hành vi lăng mạ, xúc phạm chính quyền, cản trở người thi hành công vụ thì lập tức bị xử lý ngay.

Vậy nên, cái luận điệu, “yêu cầu” trên của Ông Phil Robertson và HRW là hoàn toàn phi lý và vô giá trị. Đừng mang danh một tổ chức quốc tế mà tự cho mình cái “quyền” hết sức trơ trẽn, lố bịch! Bởi, luận điệu lần này không khác nhiều so với các chiêu bài tuyên truyền, xuyên tạc tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở Việt Nam mà HRW đã đưa ra trong các “báo cáo nhân quyền”, thông cáo báo chí thời gian qua. Một chiêu bài cũ rích - rẻ tiền./.