Jun 28, 2021

Một sự xiên xẹo

        

Tre Việt - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “… Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Thế mà, Lê Ánh mới đây lại xiên xẹo đặt tít bài viết: “Nguyễn Phú Trọng: Con đường XHCN không bao giờ tới đích” đăng trên facebook Việt Tân.

          Tổng Bí thư khẳng định việc xây dựng CNXH còn lâu dài. Vì nó có trình độ cao hơn chủ nghĩa tư bản, mà đạt được trình độ như các nước tư bản hiện nay thì đã phải trải qua hàng trăm năm. CNXH có trình độ cao hơn thế, chắc chắn phải lâu dài hơn, là điều dễ hiểu. Mới đây, Tổng Bí thư có bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên các báo ra ngày 16/5/2021. Trong đó khẳng định: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Xây dựng CNXH lâu dài là vì thế.

          Thế mà Lê Ánh lại cho rằng: “Nguyễn Phú Trọng: Con đường XHCN không bao giờ tới đích”. Rõ ràng là hai cách nói khác nhau. Lê Ánh đã xiên xẹo ý của Tổng Bí thư. Đây là trò xấu, rất xấu.

          Lê Ánh còn nói: “qua thế kỷ 21, mặc dầu các đảng viên chưa thấy thiên đường XHCN, nhưng chắc chắn lúc đó sẽ có nhiều thế hệ cán bộ trở thành triệu phú và tỷ phú đôla Mỹ ngay trên đất nước Việt Nam”. Ý này người đọc hiểu rằng, Lê Ánh đang nói đến tình trạng cán bộ tha hóa, tham nhũng. Thừa nhận, tham nhũng là một thực tế, chế độ xã hội nào cũng có. Nó là hiện tượng gắn liền với quyền lực. Ở các nước tư bản, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không ít người trong bộ máy công quyền tha hóa, tham nhũng. Thực vậy!

Vụ bê bối quyền lực chính trị để trục lợi (Watergate) của Tổng thống Mỹ Richard Nixơn năm 1972 - 1974, buộc ông này phải từ chức khi đang là Tổng thống nhiệm kỳ hai; vụ ông Bernard Kerit, nguyên chỉ huy trưởng cảnh sát New York, năm 2004 đã được Tổng thống Mỹ Geory W.Bush đề cử làm Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa Mỹ, nhưng do buộc tội tham nhũng trốn thuế và nhận tiền hối lộ nên đã không được bổ nhiệm. Hay là ở Hàn Quốc, vào tháng 12/2016, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - Hye bị Quốc hội phế truất chức Tổng thống do bị buộc tội tham nhũng dính líu đến vụ dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính. Còn rất nhiều chính khách của các nước có chế độ đa đảng bị tha hóa mà các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đã đưa tin. Họ đều là những người đại diện cho một đảng chính trị nhất định của các nước đó.

Vậy là, Lê Ánh vì tâm tối mà đã xiên xẹo ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.