Tre Việt - Đồng
quan điểm với bài: “Lại một chiêu trò xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt
Nam” đăng trên Tre Việt ngày 17-9-2016, bạn đọc Phiếm Đình gửi đến Tre Việt
bài: “Ông Elliott Abrams nhắm mắt nói càn”. Tre Việt xin giới thiệu bài viết
trên cùng bạn đọc.
“Ông Elliott Abrams nhắm mắt nói càn”
Phiếm Đình
Thiết tưởng Ông Elliott Abrams, nguyên là Trợ lý Ngoại trưởng, đặc trách nhân
quyền kiêm Phụ tá Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, có cách nghĩ, lời nói
khách quan, chuẩn mực khi “tham luận” trên diễn đàn “hội thảo” về tình hình của
một quốc gia khác. Thế nhưng, thật thất vọng và đáng tiếc cho nguyên cái “chức
danh” Ông đã đảm nhiệm! Bởi, trong một cuộc “hội thảo” mang tên: “Tự do Tôn
giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”, nguyên
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lại bất chấp thực tế khách quan, nhắm mắt nói càn:
“Chính quyền Việt Nam muốn có mọi thứ, họ muốn có vũ khí và đầu tư từ Hoa Kỳ
cũng như muốn Hoa Kỳ bảo vệ đối với hiểm họa đến từ Trung Quốc mà không giảm
bớt sự kiểm soát các hoạt động xã hội, không tin tưởng vào người dân cũng như
không cho phép tự do tín ngưỡng”.
Thật nực cười cho sự lố bịch trơ
trẽn của Ông Elliott Abrams! Đã đảm nhiệm đến chức danh Trợ lý Ngoại trưởng rồi
mà Ông lại ấu trĩ đến thế. Ông hãy mở mắt mà nhìn, mà xem, mà nghe cho rõ nhé!
Thứ nhất,
mặc dù Hoa Kỳ đã giỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam
chưa mua vũ khí của Mỹ.
Thứ hai, Hoa kỳ cũng chỉ là quốc
gia đứng thứ tám trong danh sách những quốc
gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam sau Hàn Quốc đang dẫn đầu
với số vốn là 45,191 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản 38,97 tỷ USD, Singapore
35,15 tỷ USD, v.v. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục thống kê, tính
đến 31-12-2015, tổng số vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là 11,301 tỷ USD với 781
dự án đã đăng ký. Nếu so sánh với Hàn Quốc, số vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào
Việt Nam chỉ bằng 1/4.
Thứ ba, Việt
Nam chưa bao giờ nhờ Mỹ bảo vệ sự độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của
mình. Quan điểm nhất quán của Việt Nam trước sau như một là: độc lập tự chủ dựa
vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với
nước này để chống nước khác. Ông đừng lộng ngôn!
Thứ tư, Nhà
nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, không và chưa bao
giờ có chủ trương cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bình thường của nhân
dân. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân, đang và sẽ tồn tại,
đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan
điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và được thể chế hóa trong
Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Không chỉ bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật, mà Nhà nước Việt Nam còn bảo đảm
quyền này được thực thi trong thực tế. Ngày 14-9-2016, trong buổi tọa đàm của
Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam với đại diện quan chức tôn giáo của Mỹ về
tình hình tôn giáo, thành tựu cũng như chính sách về tôn giáo, Bob Roberts Mục
sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood với 130 nhà thờ trên khắp nước Mỹ
đã phát biểu: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy rằng Chính
phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình.
Việt Nam là một đất nước tôn giáo vì các bạn tôn kính tổ tiên, Đạo phật, Công
giáo. Ở Việt Nam có tất cả các tôn giáo”.
Đó là sự thật không thể bác bỏ!
Tại
nước Mỹ, quê hương Ông Elliott
Abrams, tuy rằng luật pháp cũng có quy định một số điều liên quan đến
vấn đề tôn giáo nhưng tự do tôn giáo ở Mỹ chỉ là sự tự do lựa chọn tôn giáo và
tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo. Công dân Mỹ có thể tự do trong việc lựa
chọn tôn giáo, nhưng họ lại ít có tự do trong việc từ bỏ tôn giáo. Thông
thường, mỗi người dân Mỹ đều phải thuộc về một tôn giáo nào đó và tham gia một
tổ chức tôn giáo nào đó. Trên thực tế những người không theo tôn giáo nào hay
thậm chí có thái độ thờ ơ với tôn giáo và hơn nữa là những người có quan điểm
vô thần thường bị hạn chế về quyền lợi. Ở một số bang, sự hạn chế này còn được
quy định bằng luật pháp của bang. Ví dụ như: Hiến pháp của bang New
Hampshire được thông qua năm 1784, những người không phải là tín đồ Tin lành
thì không thể được vào Hạ viện hoặc Thượng viện của bang này; Hiến pháp của
bang Delaware được thông qua năm 1776 có điều khoản quy định khi được bầu vào
Hạ viện hay được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó người được bầu phải tuyên thệ rằng
mình tin vào Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô, con một của Người và Chúa Thánh thần,
đồng thời xác tín Kinh Thánh - Cựu ước và Tân ước (Điều khoản này được ghi
trong Hiến pháp bang Delaware cho tới tận năm 1972); Hiến pháp bang
North Carolina quy định rằng, nếu người nào phủ nhận sự tồn tại của Chúa, phủ
nhận tính xác thực của Tin Lành giáo, tính thiêng liêng của Cựu ước và Tân ước
hoặc theo tôn giáo không dung hợp với tự do và an ninh của bang thì sẽ không có
quyền giữ các chức vụ; Hiến pháp bang Massachusetts được thông qua năm 1780
cũng quy định rằng, thống đốc, phó thống đốc bang, hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ
trước khi nhậm chức phải ký một tuyên bố rằng họ theo Kitô giáo và tin tưởng
một cách vững chắc vào tính xác thực của tôn giáo này. Mặc dù có khoảng 17%
người dân Mỹ không theo một tôn giáo nào nhưng Chính phủ Mỹ vẫn bắt buộc họ
phải sử dụng đồng Dollas có in dòng chữ “In God We Trust”(Chúng ta tin
tưởng vào Chúa) và trong rất nhiều hoạt động chính thức, kể cả các kỳ họp Quốc
Hội người Mỹ bắt đầu bằng việc cầu kinh Thiên Chúa giáo, v.v. Hay việc thực tế
công dân Mỹ có sự kỳ thị với người theo đạo Hồi, cho rằng đạo Hồi gắn với khủng
bố. Những điều trên cho thấy chính nước Mỹ đang mất đi sự công bằng trong vấn
đề tín ngưỡng, tôn giáo và chính vấn đề tôn giáo ở nước Mỹ mới thực sự đáng lo
ngại.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “chân mình thì lấm be be mà lại đi chê người
khác”, vậy nên Ông Elliott Abrams hãy
xem lại chính bản thân và những vấn đề bất cập của quốc gia mình trước đã, đừng
nhắm mắt nói càn những điều hết sức phi lý và nực cười./.