Feb 24, 2022

Đừng cố tình xuyên tạc

           Tre Việt - Ngày 22/02, trang facebook Việt Tân đăng status: “Các quan chức CSVN từng hùng hổ tuyên bố “không ai bị bỏ lại phía sau”. Dư luận viên thì từng nổ về “các chuyến bay giải cứu” là ngạo nghễ Việt Nam. Đến nay mới lộ ra chuyến bay giải cứu thực ra là kiếm chác trên nỗi khốn khổ của đồng bào!”. Đây là những luận điệu cố tình lợi dụng vụ việc tiêu cực xảy ra ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để quy chụp, xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khó khăn trong đại dịch Covid-19 và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, bởi vì:

Thứ nhất, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân văn, nhân đạo, tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; nhất là trong những lúc nguy nan, gian khó thì tinh thần ấy càng được đề cao. Phát huy truyền thống đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “tính mạng của nhân dân là trên hết”, “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị luôn quan tâm, kịp thời có những quyết sách đúng đắn, phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội lần thứ nhất đã được triển khai có quy mô 62.000 tỉ đồng và gói an sinh xã hội lần thứ hai với tổng trị giá 26.000 tỉ đồng là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ nhân dân trong đại dịch. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho gần 742.000 lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.033 tỉ đồng); trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 58.449 tỉ đồng). Mặc dù sự hỗ trợ ấy có thể chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của từng người dân, hộ gia đình, nhưng đó rõ ràng thể hiện sự quan tâm, chung tay, chia sẻ của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào. Thực tế sinh động đó, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta “không ai bị bỏ lại phía sau”, chứ không chỉ “hùng hổ tuyên bố” như Việt Tân xuyên tạc.

Thứ hai, nói về các chuyến bay giải cứu công dân. Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/02/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khẳng định: việc đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khó khăn chưa có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan và cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp triển khai. Trong bối cảnh trong nước phải tập trung ứng phó với dịch bệnh chưa từng có và năng lực y tế có hạn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia liên tục tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Từ chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) về nước vào đầu tháng 02/2020, đến nay các cơ quan đã có nhiều nỗ lực để phối hợp với các hãng hàng không thực hiện hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 240.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Điều đó, khẳng định “các chuyến bay giải cứu” thực sự là ngạo nghễ Việt Nam.

          Tuy nhiên, lợi dụng việc xét duyệt, cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, một số cá nhân thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Liên quan đến vụ việc này, ngày 27/01/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 04 bị can, trong đó có Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự. Vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là rất nghiêm trọng, điều này là không thể chấp nhận, nhưng điều đó không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả các chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch nêu trên.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ án; chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là: sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các đơn vị trong nước và cơ quan ở nước ngoài khẩn trương rà soát quy trình xử lý công việc, bảo đảm quy trình hiệu quả công tác lãnh sự và bảo hộ công dân; thực hiện thanh tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tiêu cực, giữ vững truyền thống tốt đẹp của ngành ngoại giao. Vì vậy, Việt Tân đừng quen thói quy chụp, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta./.