Tre Việt - Lợi dụng sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Trung Quốc vừa qua, một số trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức phản động, cơ hội chính trị phát tán nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc mối quan hệ giữa hai nước cho rằng Việt Nam chịu sự chi phối của Trung Quốc; kích động chia rẽ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước: Trung Quốc, Nga, Mỹ, v.v. Đây là những luận điệu phi lý cần đấu tranh, lên án.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các trưởng đoàn tham dự diễn đàn (Ảnh: TTXVN) |
Trước
hết, phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường mở
rộng hợp tác quốc tế, vì hòa bình, phát triển ổn định trong khu vực và trên thế
giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại
giao với gần 200 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới (có cả 05 nước Ủy viên
Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc); trong đó, có 33 nước là đối tác
chiến lược, đối tác toàn diện; 05 nước là đối tác chiến lược toàn diện (Trung
Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ).
Sự
kiện Chủ tịch nước tham dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại
Trung Quốc vừa qua là sự cụ thể hóa, tiếp tục khẳng định quan điểm, đường lối
đối ngoại của nước ta với cộng đồng quốc tế. Chuyến đi lần này có ý nghĩa hết
sức quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương. Trên bình diện đa
phương, trong bối cảnh các nước mong muốn tăng cường các liên kết kinh tế khu
vực và toàn cầu để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, vì vậy sự tham dự của
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ
nghĩa đa phương và sự chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác, liên kết
kinh tế khu vực và toàn cầu. Trên bình diện song phương, đây là hoạt động đối
ngoại cấp cao trong năm, kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn
diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì mối
quan hệ và tạo ra những cơ hội hợp tác mới, đưa quan hệ hai nước Việt Nam -
Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới.
Thông qua
việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển
kinh tế đất nước. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và
Trung Quốc đạt 175,57 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỉ USD,
trong khi nhập khẩu 117,87 tỉ USD. Đến hết tháng 8/2023, quy mô kim ngạch xuất
nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,45 tỉ USD; trong đó, xuất khẩu
của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỉ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm
2022. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam,
chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trước đó,
trong tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm, làm
việc tại Mỹ ngay sau khi Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam để tăng cường, phát
triển mối quan hệ, mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, tạo sự phát triển bứt phá
cho nền kinh tế đất nước. Bởi, Mỹ là một trong những đối tác chiến lược toàn
diện, là thị trường lớn của Việt Nam trong thời gian qua. Thương mại Việt Nam -
Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỉ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỉ USD); trong đó,
xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỉ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỉ USD. Năm
2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song thương
mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn có sự tăng trưởng với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỉ
USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước
đạt gần 80,5 tỉ USD, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt
Nam.
Thực tế trên cho thấy, thông qua việc đẩy mạnh quan hệ
đối ngoại đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển.
Các chuyến công tác, làm việc tại nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ,
ngành,… đều vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phát triển đất nước hùng cường.
Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam thực hiện quan hệ bình đẳng với tất cả các nước,
kể cả các nước lớn, bảo đảm cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển
và không chịu sự chi phối của bất kỳ quốc gia nào, thế lực nào khác.
Sự xuyên tạc, suy diễn của các thế lực
thù địch, phản động, cơ hội chính trị về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước
ta là vô căn cứ. Chúng sẽ không đạt được mục đích gì trước sự nhất quán, đúng đắn,
linh hoạt, mềm dẻo trong đường lối đối ngoại của Việt Nam./.