Quyền tự do hội họp, lập hội ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm (Ảnh: huongsenviet.com) |
Trong Tuyên ngôn Nhân quyền
năm 1948, Điều 20 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội
một cách hòa bình”. Tại Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950 (Điều 11) và
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 21), quyền tự do
hội họp và lập hội tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, đây không phải là quyền
tự do tuyệt đối, tự do vô hạn độ: Điều 21, Công ước quốc tế về các quyền dân
sự, chính trị năm 1966 khẳng định, quyền tự do hội họp và lập hội được giới hạn
khi cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng
đồng, bảo vệ quyền và tự do của người khác và Điều 20 của Công ước này còn nêu
rõ không ai được phép lợi dụng quyền tự do hội họp, tự do lập hội để tuyên
truyền cho chiến tranh, hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, kích động phân
biệt đối xử, tạo thù địch, bạo lực. Theo đó, pháp luật các quốc gia đều khẳng
định, tự do hội họp là quyền có thể bị giới hạn trong những trường hợp nhất định
nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của nhà nước, của công dân.
Ở Việt Nam, Điều 25, Hiến pháp
năm 2013 quy định công dân có quyền tự do hội họp, lập hội, v.v. Ngoài ra,
quyền tự do hội họp, lập hội của người dân còn được quy định cụ thể tại Bộ Luật
Hình sự, Bộ Luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật khác. Cùng với việc hiến
định trong Hiến pháp, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành một số Chỉ thị liên quan
đến hiệp hội, như: Chỉ thị 01-CT/HĐBT năm 1989 về quản lý tổ chức và hoạt động
của các Hội quần chúng; Chỉ thị 202-CT/HĐBT năm 1990 về chấp hành các quy định
của Nhà nước về lập hội. Các văn bản luật quy định về quyền tự do hội họp, lập
hội của người dân ở Việt Nam đều tương thích với luật quốc tế và tình hình cụ
thể của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đã có hàng
nghìn hội, đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân,
trong đó có các tổ chức và hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông
dân, người cao tuổi, người khuyết tật; các hội từ thiện, các tổ chức khoa học,
nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hoạt
động trên phạm vi toàn quốc với hàng chục triệu hội viên. Riêng Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam là tổ chức đại diện và hiệp thương ý kiến của tất cả các đoàn thể
và tổ chức nhân dân trong lĩnh vực chính trị, xã hội và các tổ chức nghề
nghiệp, tôn giáo, dân tộc với đại diện của tất cả 54 dân tộc anh em. Cùng với
đó, ở Việt Nam còn có hàng nghìn tổ chức công đoàn được tổ chức từ trung ương
đến cơ sở địa phương. Các tổ chức này đã tham gia tích cực vào việc xây dựng
chính sách lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông
qua các văn bản hướng dẫn và hợp đồng lao động, đồng thời đóng vai trò đại diện
cho người lao động trong thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể,
v.v. Bên cạnh các tổ chức của thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh,…ở
Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ,… hoạt động trong mọi lĩnh vực
đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là từ thiện và cứu trợ nhân đạo.
Các tổ chức và hiệp hội hoạt
động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật. Chính
phủ chỉ trợ giúp tài chính nếu các chương trình, dự án và hoạt động phù hợp với
chính sách phát triển kinh tế – xã hội và lợi ích chung của cộng đồng. Các cơ
sở của tổ chức xã hội và cơ sở của tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam cũng
tăng nhanh. Sự phát triển mạnh của các loại cơ sở này chứng tỏ nhu cầu thành
lập hiệp hội của người dân tăng nhanh, quyền tự do thành lập và tham gia các tổ
chức, hiệp hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm.
Như vậy, trên cơ sở luật pháp
quốc tế, luật pháp Việt Nam công nhận quyền tự do hội họp, tự do lập hội của
người dân nhưng đó không phải là “tự do vô hạn”, mà phải trong khuôn khổ pháp
luật, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân. Và, những luận
điệu tuyên truyền, gieo rắc tư tưởng tự do hội họp, tự do lập hội vô hạn độ
thực chất chỉ là trò xuyên tạc, bịp bợm nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của các
thế lực thù địch./.