Tre Việt - Trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, hàng
trăm nhà “dân chủ” kêu gào đòi các nguyên thủ tham dự Hội nghị này đưa vấn đề
nhân quyền của Việt Nam vào bàn đàm phán cùng với các nội dung ngoại giao, kinh
tế khác.
Nhưng họ không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng, nhân quyền tuy là
quyền của mỗi con người nhưng phải xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng,
phù hợp với đặc thù của mỗi quốc gia, khu vực. Điều này được khẳng định qua một
số câu chuyện mới đây.
Trước hết, chúng ta cần nhắc đến chuyện của đất nước Philippines,
trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, hơn 9 tháng từ khi ông ta nhậm
chức Tổng thống, đã có khoảng 8.000 người bị giết chết trong các tình huống mà
phía cảnh sát cho là để tự vệ khi các nghi can có vũ trang cưỡng lệnh bắt giữ
trong cuộc chiến chống ma túy. Điều này đã dẫn tới việc Ông bị lên án gay gắt từ
các nhóm nhân quyền trong và ngoài nước. Trước nhiều câu hỏi mang tính hạch
sách về nhân quyền, ông Duterte nói “Các ông muốn đặt một câu hỏi. Để tôi cho
các ông câu trả lời. Hãy đi chỗ khác chơi. Đó là chuyện của chúng tôi, không phải
của các ông. Tôi lo liệu cho đất nước tôi. Tôi sẽ nuôi dưỡng và phục hồi đất nước
để lấy lại sức mạnh”. Hồi tháng 5-2017, trong cuộc gặp giữa Tổng thống D.Trump
và Tổng thống Duterte, giới nhân quyền Philipines rất hy vọng ông D.Trump sẽ đề
cập về vấn đề này trong các cuộc hội kiến giữa 2 nguyên thủ. Nhưng ông D.Trump
đã lên tiếng ca ngợi ông Duterte, nói rằng Tổng thống Philippines đã “đạt thành
tích khó tin để dẹp tệ nạn ma túy”.
Trước thềm Hội nghị APEC, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng
Canada (ông Trudeau), giới “dân chủ” lại một lần nữa kêu gọi Ông đề cập đến vấn
đề nhân quyền với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đặt nhân quyền lên bàn cân ngoại
giao giữa 2 nước; chúng hy vọng ông Trudeau sẽ dùng cán cân thương mại 2 nước
(Việt Nam xuất siêu sang Canada khoảng 4 tỷ USD) để gây sức ép đối với lãnh đạo
Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, ông Trudeau đã ca ngợi Nhà nước, Chính
phủ Việt Nam trong các nỗ lực về an sinh xã hội, thông cáo chung ra hôm 8-11 khẳng
định rằng: chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau làm cho bối cảnh quan hệ Việt Nam -
Canada phát triển tích cực, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của
Canada ở Đông Nam Á và là thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động thị trường
toàn cầu của Canada; nâng quan hệ 2 nước lên mức toàn diện, hai nước sẽ xem xét
khả năng tham gia một Hiệp định thương mại tự do Canada - ASEAN và cùng muốn
thúc đẩy thông qua Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ được
bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này, v.v.
Cũng trong dịp này, một số dân biểu Hoa Kỳ và các nhà dân chủ thi
đua gửi thư yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thúc ép chính quyền Việt Nam
cải thiện và tôn trọng nhân quyền. Nội dung chính của những bức thư này yêu cầu
Tổng thống D.Trump hối thúc Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị, như:
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Trần Thị Nga, Trần Anh Kim, Lê Thanh
Tùng, v.v. Những yêu cầu này của đám “dân chủ” đương nhiên không được đáp ứng.
Điều đó cho thấy, ở bất kỳ quốc gia nào, tất cả các nhà lãnh đạo cấp
cao đều biết nhìn xa, trông rộng, lo cho dân, cho nước, họ là những người hiểu
sâu sắc nhất về tính đặc thù nhân quyền ở từng quốc gia; nhân quyền phải xuất
phát từ lợi ích của toàn dân.
Sau nhiều năm cải cách và mở cửa, tuy kinh tế còn có những khó khăn
nhất định, nhưng Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong nỗ lực cải thiện đời sống
vật chất, tinh thần của nhân dân; quyền con người luôn được quan tâm bảo đảm thông
qua hàng loạt các chính sách mạnh tay của Đảng, Nhà nước,… đã tạo được lòng tin
và sự cảm thông của hầu hết các nước trên thế giới.
Do đó, sự kêu gào của các nhà dân chủ chỉ tốn hơi vô ích; không
riêng gì ông Trudeau, ông D.Trump, mà bất kỳ ông nào cũng làm cho các nhà hoạt
động nhân quyền một lần nữa thất vọng./.