May 5, 2019

Tự do báo chí ở Việt Nam - hiện thực không thể phủ nhận



Tre Việt - Ngày 04/5/2019 trên VOA Tiếng Việt và một số trang mạng chống cộng cực đoan có đăng bài phóng vấn Nguyễn Văn Hải (có biệt danh là Hải “điếu cày”) - một kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị luật pháp Việt Nam xử lý theo quy định, sau khi được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, Hải “điều cày” đã “vinh dự” được quan thày tạo điều kiện sang định cư tại xứ sở “Cờ hoa tự do” - Mỹ. Tại bài phỏng vấn này, VOA và Hải “điếu cày” cho rằng: ở Việt Nam không có tự do báo chí và Nhà nước Việt Nam “tìm mọi cách áp đặt những rào cản, luật lệ để khống chế truyền thông tự do”(!).
Cần nói ngay rằng, tự do báo chí ở Việt Nam là một hiện thực khách quan không thể phủ nhận. Nhà nước Việt Nam đảm bảo cho các công dân thực hành tốt quyền tự do báo chí theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Ai cũng biết rằng tự do báo chí là quyền cơ bản của con người được luật pháp công nhận. Chất lượng bảo đảm quyền tự do báo chí là thước đo thực hành dân chủ, là “gương mặt” thể hiện trình độ khoa học, pháp luật và văn hóa của mỗi quốc gia. Thực chất tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật. Mọi hành động lợi dụng tự do báo chí vi phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của các cá nhân, tổ chức và đất nước, phục vụ cho những mưu đồ xấu, vi phạm dân chủ, đạo đức và thuần phong mỹ tục, pháp luật nhất thiết phải bị nghiêm trị. Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc chỉ rõ: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, tại Khoản 3, Điều 19 chỉ rõ: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.
Việt Nam thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn, Công ước của Liên hợp quốc. Khoản 2, Điều 14,  Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; Điều 25, khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tại Điều 10, Luật Báo chí năm 2016, quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Điều 13 của Luật cũng quy định rõ: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền này và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng báo chí để “tự do” xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lịch sử, kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ, gây hận thù, truyền bá chủ nghĩa ly khai, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, tung ra những thông tin, hình ảnh khiêu dâm, kích dục độc hại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc,… sẽ bị nghiêm trị. Như vậy, luật pháp quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam và các quốc gia khác đều thừa nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đó không phải là quyền “tự do tuyệt đối”. Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân. Trên thực tế, Nguyễn Văn Hải (Hải “điếu cày”) đã có những hành vi vi phạm pháp luật như nêu trên và đã bị luật pháp trừng trị đích đáng.
Hiện nay, Việt Nam có gần 19 ngàn nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở trên 800 cơ quan báo chí, với đủ các loại hình từ truyền thống đến hiện đại, hằng ngày, hằng giờ chuyển tải thông tin trong nước và quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân trong cuộc sống. Báo chí Việt Nam còn là diễn đàn, phương tiện phản biện xã hội tích cực; là phương tiện kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, công cụ bảo vệ lợi ích xã hội và quyền, nghĩa vụ của người dân; tham gia có hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ, đất nước giàu mạnh.  Cùng với đó, qua internet, người dân Việt Nam còn được tiếp nhận những thông tin nhiều chiều từ CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg, AFP, AP, Reuters, Kyodo, v.v. Nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế đánh giá: Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng xã hội.
Đó là những minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí ở Việt Nam; đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, tự do ngôn luận của VOA và Hải “điếu cày”.