Nov 11, 2020

Đừng gia tăng căng thẳng

Tre Việt - Ngày 4/11/2020, trang NPC Observer (website chuyên đăng tải các hoạt động của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc) công bố dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này để xin ý kiến công chúng cho tới ngày 3/12/2020. Điểm nổi bật của Luật này là cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài nếu xâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Ngay sau đó, ngày 6/11/2020, Tư lệnh Không quân khu vực Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ tổ chức cuộc họp trực tuyến với toàn bộ quân nhân thuộc quyền và cho rằng, Trung Quốc đã và đang gây hỗn loạn trong khu vực với hàng loạt hành động sai trái, như: gây hấn với Ấn Độ ở biên giới; quân sự hóa Biển Đông; thường xuyên diễu võ giương oai và coi thường luật pháp quốc tế,… đồng thời, yêu cầu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của ông phải sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc.

Những năm qua, Trung Quốc đã sản xuất ra một sản phẩm kỳ quái gọi là “đường lưỡi bò”, trong đó, xác định một vùng rộng lớn, bao trọn vùng biển quốc tế, chồng lấn lên nhiều vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á và đơn phương tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Để hiện thực hóa mưu đồ “lấy của chung làm của riêng, lấy của người khác làm của mình”, họ đã xây dựng nhiều chiến dịch truyền thông rộng khắp, thông qua hệ thống báo chí quốc tế; tờ rơi; quảng cáo; phim ảnh; phần mềm điện tử trên các thiết bị di động; trên hàng hóa xuất khẩu,… nhằm thuyết phục quốc tế về sự hiện hữu của thực thể “đường lưỡi bò” quái gở này. Trên thực địa, Trung Quốc không ngừng xua tàu cá xâm phạm vùng biển các nước; đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế; ra lệnh cấm đánh bắt cá,… nhằm biến vùng đặc quyền kinh tế của các nước thành vùng tranh chấp, tiến tới thương lượng cùng khai thác, từng bước biến biển của nước khác thành biển của mình. Tuy nhiên, với quan điểm đó, Trung Quốc đã vấp phải sự lên án, phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Tất cả các chiến dịch truyền thông của họ đều bị bóc gỡ và cảnh giác; nhiều cuộc đụng độ, gây hấn, xâm phạm của cảnh sát biển, dân quân biển, tàu cá Trung Quốc trên biển đều bị các nước liên quan phản đối, đưa ra công luận quốc tế. Đỉnh điểm là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague, Hà Lan và “đường lưỡi bò” bị hủy bỏ do vi phạm nghiêm trọng Luật Biển quốc tế năm 1982. Phán quyết đó vẫn chưa đủ sức nặng để đè bẹp ý chí của “anh bạn lớn” và mưu đồ cũ vẫn tiếp tục tái diễn. Do đó, nhiều nước lớn, như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ,… đã cực lực phản đối và đẩy mạnh hoạt động của hải quân trên Biển Đông để thúc đẩy Chương trình tự do hàng hải (FONOP); thực hiện “đi lại vô hại” trong vùng biển 12 hải lý của các thực thể tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đối chọi lại, Trung quốc đã đơn phương tổ chức nhiều cuộc tập trận lớn trên Biển Đông, nhất là trên một số vùng biển mà họ chiếm đóng của nước ngoài, trong đó có Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đồng thời, bắn nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm (loại DF-21 và DF -26) ra Biển Đông để răn đe. Mang danh là lực lượng chấp pháp “dân sự”, nhưng Trung quốc liên tục “quân sự hóa” hải cảnh bởi các động thái, như: đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân (trong đó có hải cảnh) nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương; biên chế nhiều tàu cỡ lớn, một số có độ choán nước tương đương tàu khu trục; trang bị súng máy, pháo cỡ nhỏ,… thậm chí có tàu trang bị pháo cỡ lớn loại 76 mm, có bãi đáp máy bay trực thăng và mang theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm, giúp hải cảnh có thể cùng quân đội luyện tập chung và tham gia chiến đấu khi xảy ra chiến tranh.

Có thể nói, Hải cảnh cùng với tàu dân quân về bản chất là lực lượng bán “quân sự”, được Trung Quốc sử dụng như một “lực lượng hung thần” chuyên gây rối, xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam để củng cố cái gọi là “chủ quyền” trên biển. Giờ đây, Trung Quốc tiếp tục sửa luật để cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trên biển. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp”, làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định, tăng nguy cơ xung đột trong khu vực. Đó là điều quốc tế và các nước trong khu vực không mong muốn./.