Mar 6, 2024

Giọng điệu xuyên tạc trơ trẽn của Việt Tân

        Tre Việt - Ngày 05/3, trang fanfage Việt Tân đăng bài: “Hai tháng đầu năm, hơn 23.000 người Việt xuất khẩu lao động” xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đưa người đi lao động ở nước ngoài rằng: “chưa thấy nước nào lại tự hào về số dân xuất khẩu lao động cao như ở Việt Nam. Nó được chính quyền xem như một thành tích đáng ngưỡng mộ, con số xuất khẩu càng cao thì càng được ca ngợi”; trơ trẽn hơn họ còn vu cáo: đây là hoạt động tổ chức “buôn người” quy mô lớn của chính quyền nhằm kiếm tiền môi giới và thu ngoại tệ.

          Cần khẳng định: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng đối với mỗi quốc gia, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam, nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là hoạt động mang lại lợi ích cho chính người lao động, cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dân số Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn dân số vàng, đây là cơ hội để chúng ta tận dụng lợi thế, đề ra các chính sách về phát triển nguồn nhân lực để tăng trưởng kinh tế. Người Việt Nam nói chung với đặc tính là cần cù, thông minh và năng động. Tuy nhiên, phần lớn người lao động lại gắn với ngành nghề nông nghiệp truyền thống, thu nhập thấp, hạn chế về trình độ học vấn và chuyên môn, thiếu nhiều kỹ năng làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Do đó, xuất khẩu lao động như một cánh cửa mở ra cơ hội cho người lao động phổ thông bước ra thế giới, tiếp cận và hoàn thiện kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế và quan trọng hơn hết, là tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nhờ làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm nguồn thu nhập tốt. Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được biết: ước tính cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, là số lượng cao nhất từ trước đến nay và tăng 8,55% so với năm 2022. Bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc, kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về nước đạt 3,5 - 4 tỉ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Trung bình mỗi năm, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết. Trung bình 03 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập bình quân cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập ở trong nước. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, quan trọng hơn là tay nghề, trình độ của họ cũng trở thành một nguồn lực quý. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước. Mới đây, Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) cho biết: lượng kiều hối về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỉ USD/năm kể từ năm 2010 đến nay. Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, Việt Nam đã thu hút được khoảng từ 14 - 15 tỉ USD và nằm trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tốp 10 quốc gia trên thế giới. Đây là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính, giúp Việt Nam có thể bù đắp, giảm sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đất nước.

Cùng với đó, những lợi ích từ xuất khẩu lao động còn có ý nghĩa quan trọng về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho người dân - một trong những thách thức lớn với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để quốc gia thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhờ những kiến thức, kỹ năng, phong cách lao động mà người lao động tiếp thụ được trong quá trình tham gia xuất khẩu lao động; nhất là, những người làm việc trong các ngành công nghệ cao, như công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, v.v.

Như vậy, xuất khẩu lao động thực sự là chủ trương, chính sách mang lại lợi ích kép “ích nước, lợi nhà”, không phải chỉ riêng Việt Nam đang thực hiện mà nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới cũng đang tăng cường thực hiện; thậm chí có quốc gia còn xác định xuất khẩu lao động trở thành động lực quan trọng để phát triển đất nước, như:  Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines, v.v. Vì lẽ đó, Việt Tân rêu rao: “đây là hoạt động tổ chức “buôn người” quy mô lớn của chính quyền” là giọng điệu xuyên tạc trơ trẽn hòng bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, cần lên án và đấu tranh bác bỏ./.