Mar 2, 2015

THIỆN Ý NHƯNG KHÔNG THIỆN TÂM

          TRE VIỆT - Thiện Ý - nguyên luật sư tại Sài Gòn trước năm 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston, Hoa Kỳ - có bài viết: “Nếu không có Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ ra sao” được VOA tiếng Việt cho đăng tải hôm 24 tháng 02 vừa qua. Thú thực, đọc bài viết, tôi cứ lờ đi không thèm viết lại phản đối bài viết đó của ông ta, vì những lời lẽ xuyên tạc quá chủ quan và sự thực sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bác bỏ những lời xuyên tạc ấy. Thế nhưng, cứ mỗi lần vào VOA tiếng Việt, lại thấy bài viết cứ hiện diện ở đầu mục “Bạn đọc làm báo”, làm tôi buộc phải tỏ thái độ.
          Thiện Ý cho rằng: tại Việt Nam, thông thường vào những dịp lễ, Tết, các phương tiện truyền thông đã ngày đêm cho phát bài “Đảng cho ta một mùa xuân”, một sáng tác vào năm 1960 của Phạm Tuyên, với lời ca: “Đảng đã cho ta một Mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi…”; và “ Bao năm khổ đau đất nước ta không có mùa xuân, cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm. Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng, bóng tối lui dần, tiếng chim vui hót vang…” đã “hoàn toàn trái ngược với những gì đã và đang xảy ra trên thực tế” (!) Thực tế mà Thiện Ý dẫn ra là gì? Ông ta nhai lại mấy cái luận điệu cũ rích:
1. Nào là “Nếu không có Đảng Cộng sản thì đã không có cuộc kháng chiến 9 năm vô ích do Đảng này và Hồ Chí Minh phát động, làm hao tổn quá nhiều xương máu nhân dân và nhân tài, vật lực quốc gia”. Ở cái “nếu” này của Thiện Ý đã cho ta thấy, ông ta (1) đã không xứng đáng với quê hương của con Hồng cháu Lạc. Bởi cái tinh thần: “Sông núi nước Nam vua Nam ở” mà Lý Thường Kiệt đã tuyên bố từ lâu của dân tộc Việt Nam đã không còn trong người ông ta. Cái tinh thần ấy cùng quyết tâm: “Đánh cho Mỹ cút / đánh cho ngụy nhào” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố bị ông ta “quẳng” đi đâu mất rồi? Không là con Hồng cháu Lạc thì không thể hiểu nổi truyền thống văn hóa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Và (2) vô tình hay hữu ý Thiện Ý đã là kẻ vô ơn, không biết ơn xương máu của ông cha đã đổ xuống đánh đổ thực dân giành lại độc lập cho dân tộc mà bao thế hệ người Việt Nam ngày nay được hưởng.
 2. Nào là “Nếu không có Đảng Cộng sản thì Việt Nam đã không rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ, với số phận không may: Đất nước qua phân, chiến tranh cốt nhục tương tàn kéo dài 21 năm (1954 - 1975). Ở cái “nếu” này, lại cho thấy Thiện Ý là người bị quáng gà. Ông ta không thấy hay cố tình lờ đi rằng, đằng sau chế độ bù nhìn Sài Gòn là đế quốc Mỹ. Ông ta không phân biệt được độc lập dân tộc một cách thực sự với độc lập giả hiệu - phải dựa vào ngoại bang. Cho nên, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của dân tộc ta cũng là để giành độc lập dân tộc một cách thực sự, chứ đó không phải là “chiến tranh cốt nhục tương tàn” như Thiện Ý gán ghép.
3. Nào là: “nếu không có Đảng Cộng sản, Việt Nam đã là một nước có chế độ dân chủ pháp trị từ lâu” (!) Từ hai cái “nếu” trên mà Thiện Ý đưa ra thì thử hỏi: Liệu Việt Nam có “chế độ dân chủ pháp trị” không? Hay bị ngoại bang đề đầu cưỡi cổ, thân phận con người là kiếp ngựa trâu? Đúng là Thiện Ý nằm mơ giữa ban ngày.
Đất nước ta có được như ngày nay cũng là nhờ công ơn lãnh đạo của Đảng Cộng sản cả đấy. Trước khi có Đảng Cộng sản, các phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra khắp nơi nhưng không giành được độc lập. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau đó 15 năm mới lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành được chính quyền. Đảng tiếp tục lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc, thống nhất, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà cả thế giới ngợi ca. Ngày nay, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Với thu nhập gần 2.000 USD/người, từ một nước chậm phát triển, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đặc biệt, trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động, Việt Nam đã về đích sớm nhiều mục tiêu, trở thành “điểm sáng”, “hình mẫu” về xóa đói giảm nghèo mà thế giới tặng cho, v.v. Chẳng nhẽ, Thiện Ý không thấy điều đó sao? Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo đất nước, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm hoen ố hình ảnh, thanh danh của Đảng. Nhưng không vì thế mà “vơ đũa cả nắm”. Đảng đã nhận thấy, chỉ ra bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất và kiên quyết xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong bài viết, Thiện Ý còn dẫn ra: Phạm Tuyên, tác giả bài hát có những lời ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam như thế lại là con của học giả Phạm Quỳnh, người đã “bị Việt Minh sát hại” vào ngày 6 tháng 9 năm 1945, vì “tội phản động”. Điều đó cho thấy (1): Đảng Cộng sản Việt Nam không có sự phân biệt đối xử về thành phần xuất thân, thể hiện rõ tinh thần bình đẳng và dân chủ. Dù ai xuất thân như thế nào, nhưng đều hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân đều được Đảng trọng dụng. Và dù có xuất thân từ gia đình có truyền thống, nhưng cá nhân đó lại đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân thì không được sử dụng, thậm chí còn bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam thể hiện sự phân minh công - tội rõ ràng. Đó cũng là thể hiện sự dân chủ, văn minh của Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam. Chẳng nhẽ như thế lại không đúng sao? (2) Những người có nhận thức đúng, có lương tri sẽ nhận thấy cái tất yếu, cho nên, dù có xuất thân từ gia đình quan lại, từ gia đình ông chủ họ sẽ thấy sự phi lý, bất công mà sớm từ bỏ để đứng về phía nhân dân lao động, cảm thông với thân phận của người lao động và đồng hành cùng người lao động, thì được Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trọng dụng. Ph. Ăng-ghen - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân - xuất thân từ gia đình thượng lưu, nhưng đã không theo con đường của cha mà đứng về phía giai cấp công nhân đó thôi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là người nhận thấy vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước, dân tộc, nên ông đã đồng hành cùng Đảng và nhân dân Việt Nam là điều rất đáng trân trọng phải không Thiện Ý? Nhân dân Việt Nam có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, đất mẹ Việt Nam là thế, mong ông nhớ lấy đừng “cố đấm ăn sôi” để đúng như cái tên của ông, kẻo dù có tên Thiện Ý nhưng lại không thiện tâm, ông ạ!