Tre
Việt - Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII),
câu chuyện về tư nhân hóa nền kinh tế nước ta lại nổi lên. Một số đối tượng tự
nhóm họp và bàn thảo về kinh tế Việt Nam. Họ cho rằng, chúng ta phải tư nhân
hóa toàn bộ nền kinh tế thì mới giải quyết được những khuyết tật trong quá
trình phát triển kinh tế đất nước (!)
Sau hơn hai mươi năm chuyển đổi cơ cấu kinh
tế, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã hồi phục và phát triển nhanh chóng, có
vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta thể hiện qua các yếu tố sau: thứ nhất, kinh tế tư nhân phát triển làm
cho các quan hệ sở hữu của nền kinh tế trở nên đa dạng, quan hệ sản xuất linh
hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vốn còn thấp và
không đều giữa các vùng, các ngành trong cả nước. Nhờ vậy đã khơi dậy và phát
huy tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp
nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế được phát huy, tạo cơ sở để mở
rộng quyền làm chủ về chính trị, văn hóa, xã hội. Thứ 2, kinh tế tư nhân góp phần quan trọng thu hút vốn nhàn rỗi của
xã hội và sử dụng tối ưu các nguồn lực của địa phương; đóng góp quan trọng vào
tốc độ tăng trưởng GDP (xấp xỉ với tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế), chiếm tỉ trọng 39% - 40% GDP; tạo lập sự
cân đối trong phát triển giữa các vùng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của vùng
sâu, vùng xa, vùng nông thôn; tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và rút ngắn
khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền. Thứ ba, kinh tế tư nhân thu hút một bộ
phận lớn lực lượng lao động (khoảng 85%), đào tạo nguồn nhân lực mới đông đảo,
đa dạng, phong phú cả về số lượng và chất lượng, từ lao động thủ công đến lao động
chất lượng cao ở mọi vùng, miền, ngành kinh tế của đất nước,... góp phần đào tạo
đội ngũ lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Thứ tư, kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế
quốc tế. Kinh tế tư nhân chủ động liên doanh với nước ngoài, tích cực đổi mới,
lựa chọn công nghệ thích hợp để giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, tăng
năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, v.v. Từ đó, kinh tế tư nhân
góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tiếp
thu kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển và hội nhập
nhanh vào nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân thường có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực
tài chính thấp; kinh doanh mang tính tự phát nên cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý,
thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Điều đó dẫn tới sức
cạnh tranh thấp, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế hạn chế, chưa đáp ứng yêu
cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Đồng thời, do chạy theo
lợi nhuận, kinh tế tư nhân dễ dàng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế và cạnh
tranh không lành mạnh; sản xuất hàng hóa ồ ạt gây khủng hoảng thừa, gây ô nhiễm
môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhiều doanh nghiệp của tư
nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, sẵn sàng ngừng hoạt động, giải
thể, phá sản, v.v.
Mặt khác, trong thời kỳ quá độ lên xã hội
chủ nghĩa, nền kinh tế có sự pha trộn nhiều thành phần, vừa có thành phần kinh
tế xã hội chủ nghĩa (đại diện là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể), vừa có
thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa (đại diện là kinh tế tư nhân). Sự đúng đắn
của điều này đã được kiểm chứng qua thực tiễn phát triển kinh tế của các quốc
gia trên thế giới, tuyệt đối hóa thành phần kinh tế nào cũng sẽ dẫn tới thất bại
hoặc khủng hoảng. Tuyệt đối hóa thị trường tự do và kinh tế tư nhân, tư bản dẫn
tới sự khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, hầu hết các quốc gia xây
dựng nền kinh tế hỗn hợp theo học thuyết kinh tế “Trường phái chính hiện đại” của
P.A.Samuelson, đây là mô hình kinh tế kết hợp giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà
nước, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Việt Nam là nước đi sau, đã chắt lọc tinh
hoa, học hỏi, kế thừa một cách sáng tạo những thành tựu chung của thế giới, để
“Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần có sự điều tiết của nhà nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa”. Đảng, Nhà nước ta chủ trương giải phóng mọi nguồn lực,
mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, nên đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-TW (khóa XII), khẳng
định: kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và
kinh tế tập thể là 3 trụ cột để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là một bước đột phá đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền
vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và
tỷ trọng trong GDP, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển sang kinh tế thị trường
đầy đủ theo các cam kết quốc tế. Nhưng kinh tế nhà nước phải đi tiên phong
trong thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, quốc phòng, an ninh và các
chương trình mà tư nhân không làm hoặc khó làm; đóng vai trò chủ đạo trên một số
lĩnh vực trọng yếu như viễn thông, năng lượng, đào tạo nhân lực, v.v. Đó là điều
kiện để kinh tế nhà nước có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ,
liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, bảo đảm
an sinh xã hội.
Như vậy, vấn đề tuyệt đối hóa kinh tế tư
nhân và kêu gọi tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế là không có cơ sở khoa học,
pháp lý. Nếu tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế thì sẽ đưa nước ta đi theo con đường
tư bản chủ nghĩa, xấu hơn nữa là làm sụp đổ kinh tế và chính trị sẽ sụp đổ
theo, Đảng ta mất vai trò cầm quyền. Đó là mục tiêu mà các thế lực thù định muốn
hướng tới.