Oct 12, 2022

Tứ Duy lại phát ngôn xằng bậy

            Tre Việt - Ngày 12/10/2022, sau khi Việt Nam trúng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, trên trang Facebook Chân Trời Mới Media có đăng phát biểu của Hoàng Tứ Duy với nội dung: Cộng sản Việt Nam không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Vẫn là những chiêu trò cũ, nội dung bài viết nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam khi  kêu gọi các tổ chức, quốc gia, vùng lãnh thổ không tham gia bỏ phiếu cho Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Theo Tre Việt, cái gọi là Đảng Việt Tân do Duy đứng đầu là một nhóm người có tư tưởng thù địch, luôn lợi dụng mạng xã hội để phát tán tài liệu, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế dộ xã hội ở Việt Nam. Đây là tổ chức phản động, vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, theo đó, Duy là đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam và Duy cũng không có tư cách gì để phát biểu về Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Như đã biết: Hồ sơ ứng cử của Việt Nam trình lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đã nêu rõ những thành tựu và thực trạng hoạt động nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua, thành tựu đó đã được các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm chứng qua các hoạt động thực tiễn. Còn những vụ việc mà Duy cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đàn áp bắt giam các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, các nhà báo độc lập, những người dân lên tiếng về sự bất công,… thực chất, đó là những người vi phạm Hiếp pháp pháp luật Việt Nam, nên bị xử lý theo pháp luật là điều không phải bàn cãi.

Việc Việt Nam cùng với 13 quốc gia khác trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền - Cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người vào tối ngày 11/10/2022 với số phiếu tín nhiệm là 145/193, thể hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn. Và đó cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, đồng thời là minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Tre Việt cho rằng, Hoàng Tứ Duy và cái gọi là Việt Tân chưa đủ uy tín, tầm cỡ và cũng không có tư cách gì để nhận xét về Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Những lời nói của Duy chỉ là phát ngôn xằng bậy./.

Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, bác bỏ mọi xuyên tạc

       Tre Việt - Ngày 11/10,  tại New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 77) đã tổ chức bỏ phiếu để bầu ra 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10, Đại hội đồng đã bầu ra 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền với số ghế trống của từng khu vực, như sau: nhóm các quốc gia châu Phi (04 ghế), nhóm các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương (04), nhóm các quốc gia Đông Âu (02 ghế), nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (2 ghế), nhóm các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác (02 ghế). Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 06 ứng viên, gồm: Afghanistan, Bangladesh, Kyrgyzstan, Maldives, Hàn Quốc và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu
và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025

         Kết quả, các thành viên mới được bầu gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Moroco, Romania, Nam Phi, Sudan và Việt Nam. Các thành viên mới được bầu sẽ đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ 2023 - 2025, sẽ bắt đầu từ ngày 01/01/2023.
        Việc trúng cử với số phiếu 145/193 và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền - Cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu của hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; trong đó, có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Với thông điệp: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba trụ cột chính của Liên hợp quốc, cùng với các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.

 Việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 là một minh chứng rõ nhất phản bác mọi luận điệu xuyên tạc sai trái hòng chống phá của các tổ chức và các phần tử phản động, thù địch, cơ hội chính trị khi họ “làm đủ trò” trước phiên bỏ phiếu để ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc./.

Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe

          Tre Việt - Đã từ lâu, cứ mỗi khi ở trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, như: các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội,… là các thế lực thù địch, phản động lại nhân cơ hội này để tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. Đơn cử, ngày 09/10, trang facebook Việt Tân có bài: “Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc trong sự bế tắc”. Bài viết đã xuyên tạc các nội dung làm việc của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII. Cụ thể, lợi dụng việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định kỷ luật 01 ủy viên, cho thôi giữ chức 03 ủy viên, Việt Tân cho rằng “bao nhiêu kẻ sai phạm gấp nhiều lần vẫn yên vị đó thôi”; hay việc Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì chúng xuyên tạc rằng “suốt ngày định hướng với chả tầm nhìn, nhưng nhìn vào thực tế thì quy hoạch quốc gia vẫn cứ be bét, chả đâu vào đâu”, v.v. Chưa dừng lại ở đó, Việt Tân đặt câu hỏi: “Vì sao Đảng Cộng sản không thảo luận những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề cuộc chiến Nga - Ukraina, tình hình Trung Quốc trước và sau đại hội 20, một trật tự thế mới đang hình thành ra sao?...” rồi tự cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc”. Vậy có phải như vậy không?

Quang cảnh phiên bế mạc
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII)

Thứ nhất, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, củng cố niềm tin của nhân dân, thời gian qua, Đảng ta đã, đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Với tinh thần đó, những cán bộ, đảng viên dù người đó là ai, giữ cương vị nào nếu vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm; sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ của toàn Đảng, nên không thể có chuyện “bao nhiêu kẻ sai phạm gấp nhiều lần vẫn yên vị đó thôi” như Việt Tân suy diễn.

Thứ hai, việc thảo luận các chiến lược, đề án, định hướng, quy hoạch quốc gia là công việc thường xuyên, cần thiết, hệ trọng, khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng. Vì thế, tại kỳ họp lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận thận trọng, kỹ càng dựa trên những cơ sở lý luận khoa học, những dự báo, đánh giá từ thực tiễn cũng như tình hình phát triển của đất nước trong những năm tới, tạo sự thống nhất cao phải ban hành và thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Do đó, ý kiến của Việt Tân đưa ra trên là phán bừa, không có cơ sở.  

Thứ ba, những sự kiện mà Việt Tân nêu lên về cuộc chiến Nga - Ukraina, tình hình Trung Quốc trước và sau đại hội 20, một trật tự thế mới đang hình thành,… đều đã được các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học,… nghiên cứu, đánh giá cụ thể, thận trọng về những tác động, ảnh hưởng đối với thế giới và Việt Nam. Từ đó, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những đối sách, cách ứng xử phù hợp với từng nước, trên cơ sở hữu nghị, hợp tác, tôn trọng hòa bình, luật pháp quốc tế. Trên thực tế, Việt Nam đã ứng xử, giải quyết hài hòa các quan hệ đối nội, đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, chứ không hề “bế tắc” như Việt Tân đã phỏng đoán.

Thế nên, lần sau nếu Việt Tân “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”, chứ đừng suy diễn, phán bừa, phỏng đoán không có cơ sở, lại càng lộ rõ chân tướng xấu xa của mình./.