Jan 16, 2018

Khi RFS... “phóng mồm”!



Tre Việt - Ngày 13-01-2018, VOA đăng bài viết: “RSF quan ngại về ‘lực lượng 47’ của Việt Nam”  . Bài viết được mở đầu với luận điệu: Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) bày tỏ lo ngại về loan báo của Việt Nam triển khai 10.000 “chiến binh mạng” để chống lại quan điểm bất đồng chính kiến trên Internet và gọi đó là một “cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin”.

Đúng là “không biên giới” nên rất... “phóng mồm”!

Về lực lượng 47, Tre Việt đã có bài nói rõ, xin không nhắc lại.

Chỉ xin thưa với “Không biên giới” rằng:

1. Đừng đánh tráo khái niệm “bất đồng chính kiến” với hoạt động lợi dụng Internet để phá hoại đất nước, lật đổ chế độ! Đảng, Nhà nước Việt Nam có đủ cơ chế, chính sách để tiếp nhận những ý kiến đóng góp, phản hồi tích cực, vì lợi ích chung từ người dân nhằm xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn. Còn cái gọi là “bất đồng chính kiến” thực chất là sự xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận, chống phá Đảng, Nhà nước; làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân; ảnh hưởng đến sự an nguy của đất nước. Vì vậy, Lực lượng 47 đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng chứ không chống lại những ý kiến trái ngược!

2. Đừng lầm tưởng tự do thông tin là muốn nói gì thì nói! Quyền tự do nào đi chăng nữa cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Bởi, chính pháp luật sẽ điều chỉnh để mọi người có được cái quyền tự do ấy. Ai cũng có quyền được nói, nhưng nói mà vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý. Luật pháp ở mỗi nước quy định khác nhau, nhưng chắc chắn không ở đâu cho phép tự do thông tin mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Một vài ví dụ:

- Ngày 03-12-2016, một sinh viên Thái Lan bị bắt do chia sẻ bài “nói xấu” Quốc vương trên Facebook. Khung hình phạt cho tội danh này được pháp luật Thái Lan quy định là từ 3 - 15 năm tù giam.

- Năm 2016, một nữ lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Colorado (Mỹ) đã phải từ chức, sau khi đăng một tấm ảnh so sánh Tổng thống B. Obama với một con tinh tinh!

- Ngày 23-9-2016, ông Aung Win Hlaing bị kết án 9 tháng tù giam vì gọi Tổng thống Myanmar Htin Kyaw là “kẻ ngốc” và “điên” trên các dòng trạng thái Facebook, v.v.

Vì vậy, sự “quan ngại” của RFS chỉ là một sự tiếp tay cho những kẻ chống phá đất nước Việt Nam mà thôi ./.
 

Nói bừa!

Tre Việt - Vừa qua, lợi dụng việc Chính phủ đề nghị thành lập 03 Đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, một số người cho rằng: “Chính Phủ Việt Nam lựa chọn xây dựng 03 đặc khu kinh tế là do cơ cấu vùng miền, cục bộ, không vì mục tiêu phát triển kinh tế đất nước”, v.v. Đây là sự nói bừa, không có căn cứ.
Thực tế thế giới cho thấy, đặc khu kinh tế là một mô hình đã được kiểm chứng, làm đầu tàu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiến tiến, là động lực tích cực góp phần kéo theo sự phát triển kinh tế cả một vùng và quốc gia.
Tiền thân cho đặc khu kinh tế là mô hình khu kinh tế mở hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền Mỹ) năm 1942. Rồi dần được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á, điển hình như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore vào cuối thập niên 60 thế kỷ XX. Ghi dấu ấn ngoạn mục cho sự “tăng trưởng thần kỳ” của Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỷ XX là Thâm Quyến - đặc khu kinh tế được xem là hình mẫu cho đột phá về thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Malaysia cũng đang vận hành chuỗi đặc khu suốt hơn 10 năm qua. Indonesia sau khi ban hành Luật Đặc khu vào năm 2009, đến nay đã thành lập 10 đặc khu ven biển rất thành công. Năm 2014, Myanmar cũng đã thông qua Luật đặc khu và nay đang tiếp tục kiến tạo các khu kinh tế mới mở. Đến nay, trên thế giới đã có xấp xỉ 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia. Và, hầu hết các đặc khu đều trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, kinh doanh dịch vụ và du lịch đẳng cấp thế giới; trở thành các đầu tàu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng và sức lan tỏa chung cho nền kinh tế, mang lại nhiều GDP cho quốc gia và “biến” những vùng trước đó lạc hậu, kém phát triển thành khu vực văn minh, hiện đại, giàu có, năng động. Điển hình như, vào thập niên 1990, Thâm Quyến được miêu tả là một thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ”, biến vùng làng chài nghèo thành thành phố sầm uất, hiện đại. Năm 2016, GDP của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha. Các đặc khu kinh tế đã đóng góp tới 22% GDP cho Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Ở Việt Nam, khái niệm “Đặc khu kinh tế” đã được đặt ra từ năm 1997. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VIII), Đảng ta đã đề ra giải pháp “nghiên cứu xây dựng đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển”. Khái niệm đó tiếp tục được đặt ra trong văn kiện Đại hội X năm 2006. Và, tới năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được Đại hội XI thông qua có xác định “lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển”. Trên thực tế, hơn 20 năm qua, Chính phủ và các địa phương đã tích cực chủ động nghiên cứu, tìm tòi, thành lập Đặc khu Quảng Ninh, Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu; mở nhiều các Khu công nghiệp tập trung, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, như: Hòa Lạc, Chu Lai, Sóng Thần, v.v. Mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước, nhưng những mô hình này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và lần này, Chính phủ đề xuất thành lập 03 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là quá trình nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở đánh giá chính xác các điều kiện thực tế địa phương và rút kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, cũng như tiếp thu học tập các  mô hình phù hợp trên thế giới.
Như vậy, chủ trương lựa chọn một số địa phương ven biển có đủ điều kiện để xây dựng thành các “Đặc khu kinh tế” và lựa chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta và có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, dựa trên cơ sở thực tiễn khách quan, khoa học. Những luận điệu cho rằng Đảng, Nhà nước ta lựa chọn, xây dựng đặc khu kinh tế không vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà là tư tưởng cục bộ, địa phương là hoàn toàn không có cơ sở, là nói bừa, nhằm dụng ý xấu./.