Aug 16, 2016

MỘT BẢN BÁO CÁO LẠC LÕNG

Tre Việt , đồng quan điểm với bài viết “Chết yểu là điều tất yếu” của Tre Việt, ngày 15-8 vừa qua, bạn đọc Minh Quân giử đến Tre Việt bài “Một bản báo cáo lạc lõng”. Xin giới thiệu bạn đọc và cảm ơn bạn Minh Quân.

MỘT BẢN BÁO CÁO LẠC LÕNG                                                         

Ngày 10-8-2016, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2015. Đây là việc làm thông lệ của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhằm giúp cho Chính phủ nước này nắm được tình hình tôn giáo ở các quốc gia trên thế giới, đồng thời đưa ra các “khuyến nghị”. Từ đó, Chính phủ Mỹ sẽ có những biện pháp đối với những quốc gia “cần quan tâm đặc biệt” (CPC) - thường là răn đe hoặc trừng phạt. Tuy nhiên, bản báo cáo này thường bị các nước bác bỏ, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ “khuyến nghị”: “… tiếp tục cải thiện về tự do tôn giáo”; kêu gọi, tìm cách “có được tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận” và “chấm dứt những hạn chế và sách nhiễm đối với các nhóm chưa đăng ký”, v.v. Cần khẳng định ngay rằng bản “Phúc trình” này là lạc lõng, không chỉ xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, mà còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam!
Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, đa tôn giáo, đa dân tộc. Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật. Trên cơ sở thượng tôn pháp luật, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động; các tổ chức tôn giáo được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tôn trọng và tạo mọi điều kiện để thực hành tín ngưỡng, phát triển cơ sở thờ tự, xây dựng tổ chức, đào tạo chức sắc, chức việc, mở rộng giao lưu quốc tế với các tổ chức tôn giáo trên thế giới; đồng bào các tôn giáo luôn nêu cao tình thần đoàn kết, nhân văn, nhân ái, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một thực tế khách quan không thể bác bỏ! Hiện nay, Việt Nam có 13 tôn giáo (Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành, Mormon, Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu và đạo Bà La Môn) và 38 tổ chức tôn giáo (trong đó có 36 tổ chức đã được Nhà nước cộng nhận hoàn toàn), trên 15 triệu tín đồ, hàng vạn chức sắc, chức việc. Đây là những con số biết nói, bác bỏ quan điểm cho rằng Việt Nam kỳ thị, phân biệt đối xử, hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với tạo điều kiện để cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào và các tổ chức tôn giáo phát triển lành mạnh, đúng pháp luật, Nhà nước Việt Nam kiên quyết xử trí những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những hành động gây rối, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mưu toan thực hiện mục đích xấu. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền con người, quyền công dân của Nhà nước Việt Nam mà không thể tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.

Thực tế cho thấy, Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ đặc biệt. Nhân dân Việt Nam là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhưng, với truyền thống hòa hiếu, với tinh thần: là bạn, là đối tác, đối tác tin cậy với các nước trên thế giới vì hòa bình và phát triển của đất nước cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua những thăng trầm, đau thương trong lịch sử, “tạm gác” quá khứ, vượt lên trên những bất đồng để hướng tới tương lai. Đến nay, Việt Nam và Mỹ đã là đối tác toàn diện. Sự hợp tác này là bình đẳng, vì lợi ích của cả hai nước. Nhiều Tổng thống và các quan chức cấp cao, các doanh nghiệp của Mỹ đã đến Việt Nam; ngược lại, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đến Mỹ. Việt Nam và Mỹ đã hợp tác trên nhiều vấn đề từ kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh,… Mỹ và Việt Nam đều khẳng định: tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Điều này chứng tỏ sự tin cậy chính trị của hai nước đã phát triển một cách bền vững.
Bản “Phúc trình” của Bộ Ngoại giao Mỹ thật lạc lõng, không chỉ xuyên tạc tình hình tôn giáo Việt Nam, đi ngược lại quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của hai dân tộc Việt - Mỹ, mà còn vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về nhân quyền. Một bản “Phúc trình” như vậy, nhất thiết phải lên án, bác bỏ./.