Apr 29, 2019

Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ



Tre Việt - Trong lịch sử và hiện tại có ý kiến cổ súy, tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí trang bị hiện đại. Không phủ nhận vai trò to lớn của vũ khí trang bị hiện đại, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Nhìn lại Chiến thắng 30-4 của quân và dân ta, được chính giới Mỹ thừa nhận để thấy rõ điều đó. Họ thừa nhận rằng, Quân đội và nhân dân Việt Nam có tinh thần chiến đấu quả cảm và trí thông minh, sức sáng tạo phi thường. Nây Si-han (Trường đại học Coóc-nen, Mỹ) đã viết: “Thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Trí tuệ đó, được thể hiện từ người chỉ huy trong tiếp nhận và truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên đến cách đánh của quân và dân ta. Lời tựa cho tác phẩm Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân của Đại trướng Võ Nguyên Giáp, được phương Tây xuất bản đầu những năm 70, thế kỷ XX đã viết: “Khác xa với khuôn mẫu người máy do các sĩ quan cuồng tín điều khiển, người lính Việt cộng có nhận thức rõ ràng về các trận đánh của đơn vị mình,… Cán binh Việt cộng và Bắc Việt không thụ động “nuốt chửng” mệnh lệnh cấp trên, mà tiếp thu và tự thông đạt các chỉ thị đó sang ngôn từ của chính mình, rồi tự làm sáng tỏ chỉ thị nhờ các kinh nghiệm và tiền lệ (truyền thống) sẵn có,… Có thể đem giết tù binh Việt cộng, nhưng không lung lạc họ bằng phủ dụ hay đọa đầy, là điều gần như vô vọng”. Sự sáng tạo được thể hiện trong cách đánh của các quân binh chủng, bộ đội chủ lực và quân du kích. Cơn-oen, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ viết: “Lực lượng Phòng không của Việt Nam là đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà những người lái Mỹ chưa từng gặp”. Còn R. Rát-xen, Chủ tịch Ủy ban Quân lực, Thượng nghị viện Mỹ thì nhận xét: “Chúng ta phải đương đầu với quân du kích tài tình nhất chưa từng thấy trong lịch sử loài người”. Và, rằng: “Du kích Cộng sản không phải được trang bị bằng máy bay lên thẳng hoặc đạn rốc-két. Mặc dù, họ cũng có những loại vũ khí hạng nhẹ khá tốt, nhưng họ đã chứng minh rằng một chiếc đinh gỉ cũng hoàn toàn có thể loại một người lính ra khỏi vòng chiến đấu như một viên đạn của một khẩu súng hiện đại có máy ngắm”. Đúng như James G.Zumwalt - Trung tá Thủy quân Lục chiến - người đã từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam, trở lại nước ta để đi tìm câu trả lời cho sự thất bại của Mỹ nhận xét: “Đối với nhiều người Việt Nam, cuộc chiến với Mỹ là một ván cờ. Mỗi khi người Mỹ tung ra nước đi khó bằng cách áp dụng công nghệ mới vào chiến trường, phía Việt Nam lại sử dụng sự khéo léo để đáp trả”. Từ nhận định khách quan trên của phía Hoa Kỳ cho thấy, chính con người mới là yếu tố quyết định, chứ không phải vũ khí, trang bị, dù nó có tối tân, hiện đại thế nào và đến đâu chăng nữa. Nếu không vì lý do đó, thì Việt Nam là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế, quốc phòng chưa phát triển sao có thể thắng nổi một nước Mỹ hùng mạnh cả về kinh tế, quân sự và lực lượng theo quy luật của chiến tranh: mạnh được yếu thua. Tất nhiên, để chiến thắng vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy sức mạnh nhân tố chính trị - tinh thần, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và trình độ tác chiến phát triển lên tầm cao nghệ thuật quân sự./.