Jun 28, 2020

Phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”



Tre Việt - Cách đây gần chục tiếng đồng hồ trên mạng facebook có bài: “Lời kêu gọi tẩy chay Trung Quốc đang lan tỏa và có tác dụng mạnh tại Ấn Độ” của Lê Ánh. Bài viết cho rằng, dẫn nguồn từ báo Hindustan Times dẫn tin từ Hiệp hội chủ sở hữu nhà hàng và khách sạn, sau vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền tại thung lũng Galwan trên biên giới hai nước dẫn đến 20 binh sĩ Ấn độ đã thiệt mạng. Điều đó làm cho nhiều nhà kinh doanh khách sạn bản địa rất phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc đối xử với binh sĩ Ấn Độ, nên tuyên bố không phục vụ du khách là công dân Trung Quốc; đồng thời, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Liên minh thương nhân Ấn Độ. Từ đó, Lê Ánh đặt vấn đề: “Khi nào lãnh đạo Đảng CSVN có quyết tâm như lãnh đạo của Ấn Độ thì chắc chắn người dân sẽ cùng chung tay, góp sức vào việc chống Trung Quốc để giữ gìn chủ quyền cho đất nước”.
Ảnh internet

Trước hết, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn nêu cao quyết tâm bảo vệ sự độc lập, toàn vẹn, thống nhất chủ quyền quốc gia - dân tộc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng. Điều đó được thực tiễn chứng minh, như các sự kiện Trung Quốc: đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam năm 2019,… Đảng, Chính phủ Việt Nam kiên quyết đấu  tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp đã buộc phía Trung Quốc phải rút các tàu vi phạm của họ rời khỏi vùng biển Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vừa hợp tác với Trung Quốc để phát triển kinh tế của mỗi nước, vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ được chủ quyền biển đảo.
Thứ hai, nếu Việt Nam thực hiện cắt quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế theo “lời khuyên” của Lê Ánh thì hậu quả sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân của cả hai nước. Nhìn ra thế giới cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã để lại hậu quả nặng nề không chỉ cho hai nền knh tế lớn nhất nhì thế giới, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc tế. Ông cha ta có câu: “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” là vì thế.
Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguyên vật liệu (đầu vào) của sản xuất, mà còn là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn (đầu ra) của sản xuất. Nước nào không quan hệ, giao thương với Trung Quốc trong quá trình sản xuất thì thiệt hại trước tiên cho chính nước đó. Thực tế cho thấy, khi nào cửa khẩu biên giới giữa nước ta với Trung Quốc mà chậm thông quan thì hàng hóa, nhất là hàng nông sản của ta lại kêu “giải cứu”; đã có nhiều cuộc giải cứu, nhưng cũng chỉ bớt đi phần nào khó khăn cho người sản xuất chứ không thể giải cứu cho cả một ngành sản xuất. Đó là bài học nhãn tiền với chúng ta. Thế mà thực hiện theo “sáng kiến”, “lời khuyên” của Lê Ánh thì không biết nền kinh tế của chúng ta sẽ đi về đâu? Ì ạch tiến lên, dậm chân tại chỗ hay tụt lùi?
Vậy nên, Tre Việt nhắn nhủ tới Lê Ánh rằng, học tập nước khác là tốt, nhưng phải biết “khơi trong, gạn đục” chứ không phải học tập một cách máy móc. Vì mỗi nước có điều kiện, hoàn cảnh, phong tục tập quán và văn hóa riêng, nên không thể áp đặt việc làm của nước này lên nước khác được./.