Jun 8, 2018

Biết thì thưa thớt


Bùi Tín
Tre Việt - Vừa qua, một số đối tượng “trở cờ”, phản bội Tổ quốc, nhân dân, lại ra sức tán phát nhiều tài liệu có nội dung nói xấu lãnh tụ; xuyên tạc, phủ nhận giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác đối với sự phát triển của nhân loại và Việt Nam. Điển hình như: Bùi Tín với “Nhà khoa học chân chính nói không với Marx!”, Lê Công Định với “Mô hình Karl Marx”, v.v. Họ cố tình rêu rao rằng: “Việt Nam áp dụng chủ nghĩa Mác làm cho đất nước nghèo nàn, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người”,… nên phải “từ bỏ học thuyết Mác”! Đó rõ ràng là những luận điệu phản động, phản khoa học và không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cần phải lên án, bác bỏ.
Trước hết, nói về học thuyết Marx, vấn đề con người là xuất phát điểm và cũng là cái đích hướng tới. Có thể nói, lý tưởng xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ các công trình khoa học và hoạt động xã hội của Marx là con người được giải phóng khỏi sự tha hóa, phát triển những “năng lực nhân tính” của mình, nhận thức và vận dụng được cái tất yếu để vươn tới tự do, chủ động tích cực tham gia quá trình sáng tạo lịch sử và chính bản thân mình, thực sự trở thành động lực đồng thời là mục đích và là giá trị cao nhất của sự phát triển lịch sử. Nói về điều đó, Giáo sư, tiến sĩ triết học Michel Vadée (thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) đã nhận xét rất sâu sắc: “Chủ nghĩa Marx có một ý nghĩa triết học,… chủ yếu nó là triết học về sự giải phóng và của tự do”. Như vậy, giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả đã được Marx và các nhà kinh điển chủ nghĩa Marx - Lenin luận giải, phân tích và khẳng định đó là con người được giải phóng triệt để. Trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người. Và muốn có nhân phẩm, điều cốt yếu là con người phải thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, được phát triển tự do cả về trí lực, thể lực, được phát triển và phát huy toàn diện. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được ở chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Đây là con đường duy nhất để nhân phẩm con người được tôn trọng. Ngươc lại, ở bất cứ một xã hội nào còn tồn tại cơ sở của chế độ người bóc lột người thì con người không thể có nhân phẩm theo đúng nghĩa của nó.
Đối với Việt Nam, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giá trị nhân phẩm của con người chỉ được xác lập khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx vào sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Đó là một xã hội mà người dân hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau có thuốc chữa bệnh; mọi người dân được hưởng hạnh phúc, tự do. Để có được điều đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phải đấu tranh không mệt mỏi, hy sinh biết bao xương máu để giành và giữ được những giá trị ấy. Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang tiếp tục tiến hành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thực chất để nhân dân Việt Nam được sống một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và đó chính là cơ sở, điều kiện hoàn thiện nhân cách và tôn trọng, giữ gìn những giá trị nhân phẩm con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá về điều đó, tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có sở chính tại Vương quốc Anh đã xếp Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index) cao và chỉ số dấu chân sinh thái nhỏ đủ để có sự bền vững môi trường. Bảng xếp hạng được công bố tại trang web happyplanetindex.org.
Nêu mấy vấn đề như vậy cũng đủ để nói lên rằng: luận điệu đòi “từ bỏ học thuyết Marx” ở nước ta của Bùi Tín và Lê Công Định là sự đòi hỏi vô lý, không có cơ sở thực tiễn, khoa học. Và cũng xin nhắc 2 Ông rằng, các cụ ta đã dạy: “biết thì thưa thớt”, chứ đừng vì mấy đồng đô la lẻ của tổ chức phản động lưu vong bố thí mà nói lấy được, lại chuốc tiếng cười chê của người đời./.