Feb 23, 2022

Sự thật về cái gọi là Bản phúc trình nhân quyền

          Tre Việt - Lợi dụng việc Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Right Watch - HRW) công bố Bản phúc trình về nhân quyền năm 2022, ngày 21/02, kênh VOA tiếng Việt đăng bài “Nhân quyền Việt Nam qua lăng kính Human Right Watch” của Phạm Phú Khải. Tác giả bài viết cho rằng: HRW đã làm một công việc vô cùng ý nghĩa như nhiều Bản phúc trình khác của họ trước đây về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam cũng như tất cả những nơi nào trên thế giới có vi phạm nhân quyền. Vậy sự thật về cái gọi là Bản phúc trình nhân quyền đối với Việt Nam là gì?

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia ký kết các công ước quốc tế về nhân quyền; nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm các quyền của công dân. Đến nay, các quyền của công dân, như: quyền tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng,… đều được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật và được bảo vệ. Trên thực tế, Việt Nam luôn bảo đảm tốt nhất các quyền của con người, của công dân. Bằng chứng là: mọi công dân đều được tự do đi lại, tự do cư trú; tiếng nói của nhân dân đều được lắng nghe, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan, báo chí, truyền thông, mạng xã hội là diễn đàn để mọi người dân được tự do thể hiện tiếng nói, quan điểm, nguyện vọng,… của mình trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Điều này, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thế nhưng, HRW vẫn cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền là không phản ánh đúng thực tế, họ đã cố tình “đổi trắng thay đen” về những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

Thứ hai, trong Bản phúc trình về nhân quyền năm 2022, HRW trình bày chi tiết 09 trường hợp điển hình, là: Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng,… đã bị nhốt hay gặp khó khăn đi lại tại Việt Nam. Đây là luận điệu vô căn cứ, thiếu khách quan. Bởi sự thật là: những cái tên nêu trên đều là những công dân đã có hành động, việc làm vi phạm pháp luật mà nổi lên là tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền, chống người thi hành công vụ, v.v. Vì vậy, họ đã bị các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ, điều tra, xét xử khách quan và chịu những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, phát biểu của quan chức HRW đã “lòi đuôi” mục đích, dã tâm xấu của Bản phúc trình. Cụ thể, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị rằng: “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức,…và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử gây tê liệt người dân như thế”. Điều này cho thấy, mục đích của họ là làm méo mó hình ảnh đất nước ta trên trường quốc tế; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đối tác thương mại quốc tế tẩy chay Việt Nam; gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, cản trở sự phát triển của Việt Nam. Như vậy, thực chất Bản phúc trình của HRW không phải vì nhân quyền ở Việt Nam.

Như vậy, sự thật cái gọi là Bản phúc trình về “nhân quyền” thực chất là hành động chống phá của các thế lực thù địch dưới cái mác “vì nhân quyền”, “vì con người”./.