Tre Việt - Ngày 08/11, trang facebook VOA Tiếng Việt, đăng bài: “Giới tranh đấu hoan nghênh chuyến công tác Việt Nam của Báo cáo viên Liên hợp quốc”, nhằm khuyếch trương mục đích chuyến công tác của Báo cáo viên Đặc biệt Liên hợp quốc tại Việt Nam (ông Surya Deva, chuyên gia nhân quyền phụ trách Quyền Phát triển), từ ngày 06 đến ngày 15/11. Trong bài viết, VOA rêu rao mong muốn của “cựu tù nhân chính trị” Huỳnh Thị Tố Nga - người mới mãn án tù hồi đầu năm nay, sau khi bị kết án 05 năm tù vì cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” rằng: “Liên hợp quốc sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền và dân quyền để vấn đề này được rõ ràng và minh bạch, bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam trước cộng đồng quốc tế họ cam kết nghiêm túc chấp hành và đề cao nhân quyền, nhưng thực tế ở trong nước thì họ không làm như cam kết”.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 |
Chúng ta đều biết, quyền con người là giá trị phổ biến; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là một quá trình lâu dài, liên tục và cần sự nỗ lực của mỗi quốc gia, nhưng đối với các nước đang phát triển, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền phải là quá trình lâu dài. Đặc biệt, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực còn hạn chế trong khi còn nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề quyền con người.
Song, với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; điều đó, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ. Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Trên thực tế, ở Việt Nam, các quyền con
người, quyền công dân về dân sự, chính trị được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp
và pháp luật; được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật; mọi công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, nếu
đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc
hội, Hội đồng nhân dân. Các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, xã hội,
văn hóa cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với sự phát triển của nền kinh
tế. Thu nhập (GDP) bình quân đầu người trong năm 2022 đã đạt 4.110 USD; nhờ đó,
đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ xã hội chủ
nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều
kết quả ấn tượng. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo, ngay cả
lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của
đại dịch Covid-19 và Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng, được quốc tế
ghi nhận.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đạt được nhiều
thành tựu về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận
43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc,
135.000 chức việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự, v.v. Quyền tự do báo chí, tự do
ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện
theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 127 cơ
quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người
đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là hơn 41.000 người, với 19.356 người đã
được cấp thẻ nhà báo. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền
thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số người dùng internet ở Việt
Nam lên đến 72,1 triệu người, chiếm khoảng 73,2% dân số cả nước; đứng thứ 12
trên thế giới và thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Đặc biệt,
việc Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục được tín nhiệm giữ vai trò này
trong nhiệm kỳ 2023 - 2025, là minh chứng thực tế sự thừa nhận rộng rãi của cộng
đồng quốc tế về việc Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, cũng như thành tựu
trong thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền.
Sự thực trên là bằng chứng thuyết phục
nhất, đanh thép nhất bác bỏ những luận điệu quy chụp phiến diện, phủ nhận, xuyên
tạc lố bịch về thành tựu bảo đảm nhân quyền của Việt Nam./.