Tre Việt - Cách đây ít giờ đồng hồ, trang facebook VOA Tiếng Việt đăng tin: “Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở ở Paris (Cộng hòa Pháp), đã xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí do “cầm tù nhà báo có hệ thống”, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí “tồi tệ” nhất thế giới”! Đây là luận điệu xuyên tạc trắng trợn của RSF về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, quyền
tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự do có giới hạn. Việc giới
hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm”,
hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự
do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn
tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia
ký kết. Và, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng
và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng,
Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
của công dân. Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tại Chương II, Luật Báo chí
(năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của
công dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà
nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự
do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; đồng
thời, cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và
được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do
ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức và công dân”.
Không chỉ bảo đảm về phương diện pháp lý
mà trong thực tiễn, tự do báo chí ở Việt Nam cũng được biểu hiện sinh động. Nền
báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, quy mô, công nghệ
làm báo. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm
2023, cả nước có 808 cơ quan báo chí (trong đó: 138 báo, 670 tạp chí) và 42.400
người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gấp khoảng 6 lần so với thập niên
2000. Ngoài ra, không thể không kể đến mạng xã hội đã tham gia mạnh mẽ vào môi
trường truyền thông trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, công dân không
bị ngăn cấm tham gia mạng xã hội. Quyền phát ngôn, tham gia ý kiến, thảo luận về
mọi vấn đề xã hội được mở rộng trên các phương tiện truyền thông mới này. Báo
chí cùng với mạng xã hội đã trở thành một diễn đàn lớn, nơi mà mọi người dân đều
có tiếng nói, mọi vấn đề quốc kế dân sinh được trao đổi, thảo luận, đó là những
biểu hiện rất rõ ràng của tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Như vậy, cả trên phương diện pháp lý và trong
thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đều được thể hiện rõ
ràng, luôn gắn với quy định pháp luật, luôn hướng tới mục đích phụng sự nhân
dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt
Nam không phải là ngôn luận tự do, báo chí tự do theo ý chí cá nhân, vô chính
phủ, mà là vì những mục tiêu tốt đẹp, vì trách nhiệm chân chính với cộng đồng,
vì một thể chế chính trị - xã hội của dân, do dân, vì dân.
Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia
khác trên thế giới, ở Việt Nam mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do báo
chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài nghiêm khắc. Khoản
2, Điều 14, Hiến pháp (năm 2013) xác định rõ: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của
luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc RSF nhiều năm
gần đây xếp Việt Nam ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí của 180
quốc gia, với những lý do chủ yếu là “cầm
tù nhà báo có hệ thống”. Đây là sự vu khống trắng trợn của RSF. Bởi, sự thật
là: các đối tượng bị bắt giữ, phạt tù đều có hành vi lợi dụng các quyền “tự do”,
“dân chủ” để đưa tin sai sự thật, tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà
nước, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Vì thế, cái gọi là xếp hạng
tự do báo chí của RSF không có giá trị và chẳng lừa bịp được ai./.