Tre Việt - Việc giới dân chủ hải ngoại hay nhóm
những người mượn danh “dân chủ”, đấu tranh cho “dân chủ” xuyên tạc tình hình
thực thi và đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam với các thủ đoạn, một mặt, tô vẽ cho các “nhà báo tự do”,
“nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”
hay trao các loại “giải thưởng nhân quyền”,… mặt khác xuyên tạc sự thật việc thực thi và bảo đảm nhân quyền ở
Việt Nam về bản chất là cùng chung chiêu trò thâm độc để thực hiện âm mưu “diễn
biến hòa bình” ở Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ, đòi thực hiện đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập và đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Cùng với đó, những luận điệu “buôn”
dân chủ, “buôn” nhân quyền, cổ xúy cho những người đã, đang cam tâm chống phá
Đảng và chế độ; sự tuyên truyền xuyên tạc làm rối loạn tình hình chính trị ở
Việt Nam để “tụng niệm” các giá trị dân chủ tư sản phương Tây, tuyệt đối hóa
tính phổ cập của quyền con người nhằm chụp mũ “Việt Nam đã vi phạm quyền cơ bản
của con người”, vi phạm tự do, dân chủ,… cũng chính là một trong những thủ đoạn
nằm trong chiến dịch phá hoại tư tưởng, hạ thấp uy tín của Việt Nam khi Việt
Nam vừa được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, ngày
11/10/2022.
Ở Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về
xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã
được triển khai từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời: tổ chức Tổng
tuyển cử để bầu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 theo nguyên tắc phổ thông đầu
phiếu, bình đẳng, đoàn kết và bỏ phiếu kín để Quốc hội trao cho Chủ tịch Hồ Chí
Minh thành lập Chính phủ chính thức, thông qua Hiến pháp 1946, v.v. Sau
đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo tư tưởng của Người
được triển khai, vận dụng sáng tạo phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam trên
tinh thần: Dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của
quyền lực Nhà nước và tất cả vì lợi ích của nhân dân. Những nội dung trên đều
được khẳng định tại Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, trong Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011), mà điểm nhấn chính là: Việt Nam kiên định con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội, và chế độ “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây
dựng là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân
làm chủ,… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát
triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Với 36 điều trong tổng số 120 điều
quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy
định tại Chương II, Hiến pháp năm 2013 đã không chỉ khẳng định sự nhất quán về
nội dung quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong các bản Hiến
pháp trước đó, mà còn thể chế hóa/luật hóa quan điểm của Đảng về quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phù hợp với thực tiễn Việt Nam,
với chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính
trị nào mà đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao và
quyền con người, quyền công dân ngày càng được bảo đảm thì nơi đó là hạnh phúc.
Việt Nam không chỉ ủng hộ những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được Liên
hợp quốc khẳng định trong Tuyên ngôn và các văn kiện quan trọng khác, mà còn nỗ
lực xây dựng, triển khai các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người phù
hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và sự quyết tâm, thực thi đó đã đạt được
các kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc thực thi quyền
con người ở Việt Nam đúng như nhận định của ông Jean – Pierre Archambault,
nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt khi cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền
con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những
kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không
thể phủ nhận”.
Theo Tre Việt, cần phải nhận diện đúng
và tiếp tục khẳng định: ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân
quyền/quyền con người, quyền công dân đã được thực thi, được bảo đảm bằng Hiến
pháp và hệ thống pháp luật. Mọi luận điệu bôi đen, bịa đặt, xuyên tạc, thâm chí
vu khống về tình hình thực thi nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch cần
kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.