Jan 3, 2017

Độc lập - Tự chủ là duy nhất đúng

Tre Việt - Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhất là xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải,… một số người, cả ở trong nước và nước ngoài tỏ ra lo lắng, quan tâm đến an nguy của quốc gia, dân tộc. Họ đã viết bài đăng trên các trang mạng và “thư ngỏ” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước trình bày quan điểm và hiến kế rằng: Việt Nam phải tham gia minh liên minh quân sự và dựa vào “Nước lớn” để bảo vệ đất nước, v.v.
Xin được nói ngay, tất cả các ý kiến tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều đáng quý, nhưng với quan điểm và ý kiến của các “quân sư” như trên thì không biết họ đã quẳng tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta đi đâu mất rồi!

Thực vậy, nhìn vào lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của Dân tộc chúng ta dễ dàng nhận thấy, từ thủa Hùng Vương thì vua tôi nước Văn Lang - Âu Việt đã luôn nêu cao tinh thần Độc lập - Tự chủ, dựa vào sức mình là chính để chống thiên tai, địch họa. Thời kỳ Bắc thuộc, từ Bà Trưng, Bà Triệu, đến Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng,… quân dân nước Việt luôn nêu cao chí khí không chịu làm nô lệ, quyết tâm đứng lên chống giặc ngoại xâm; và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đánh bại nhà Nam Hán, giành độc lập dân tộc. Tiếp đó là các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê,… mỗi thời mỗi khác nhưng đều tựu trung một điểm là luôn đề cao tinh thần Độc Lập - Tự chủ và không chịu làm nô lệ. Tinh thần đó được thể hiện rõ nét thông qua “Bài thơ Thần” của Lý Thường Kiệt đọc trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, hay “Hịch tướng sĩ” của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, v.v.
Đến thời Pháp thuộc, cùng với phong trào khởi nghĩa của nông dân khắp nước, thì cũng có nhiều nhà nho, chí sĩ yêu nước đã ra đi tìm đường cứu nước. Có người đi đến Nhật với tư tưởng cùng là người “máu đỏ da vàng” để nhờ sự cứu giúp. Có người lại cầu mong sự nhân từ của Quốc mẫu (nước Pháp) rủ lòng thương, ban tự do cho người dân nước Việt,… song đều thất bại. Chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc, với nhãn quan chính trị sâu sắc lòng yêu nước tha thiết, Người đã bôn ba khắp thế giới và tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam là “Cách mạng vô sản”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc cách mạng “long trời lở đất” - Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ.
Trên bình diện thế giới, nhìn vào các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa các quốc gia ở Trung Đông, Đông Âu, Bắc Phi,… chúng ta nhận thấy, sự can dự của các “nước lớn” cũng đều là vì lợi ích quốc gia họ, chứ tuyệt nhiên không có vì hòa bình thế giới, hay cuộc sống bình yên của người dân nước đó. Tư tưởng “Lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng” là phổ biến trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Nhận rõ điều đó và kế thừa tư tưởng, truyền thống giữ nước của dân tộc, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Và Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; không làm đồng minh của nước này chống lại nước khác. Đến đây, một lần nữa chúng ta khẳng định tư tưởng Độc lập - Tự chủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là duy nhất đúng./.

Định kiến

Tre Việt - Ngày 28 - 12 - 2016, blog của VOA tiếng Việt có đăng bài viết: Bàn về “cũ”, “mới” của Bùi Tín, với nội dung chủ yếu là bác bỏ những thành tựu đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam(!) Cần khẳng định ngay, nội dung bài viết này là hoàn toàn sai sự thật, mang tư tưởng định kiến, chống cộng điên cuồng! Trong bài viết Bùi Tín đã trắng trợn xuyên tạc tình hình Việt Nam, rằng: “Có thể nói hơn 40 năm sau thống nhất và tương đối hòa bình là thời kỳ khổ ải, nhục nhã nhất của dân tộc, nhân dân”(!) Đó là nhận định thiếu khách quan.


Thực tế cho thấy, sau 30 năm đổi mới vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của đất nước nâng lên; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một nước thuộc tốp đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Trong  5 năm gần đây, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6%, thu nhập bình quân đầu người, đạt 2.300 đôla/người/năm (cuối năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5% năm (năm 2015), v.v. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập ngưỡng trung bình trên thế giới, quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức có uy tín lớn trên thế giới và có nhiều sáng kiến thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đó là sự thật hiển nhiên được bàn bè quốc tế, các tổ chức có uy tín trên thế giới thừa nhận. Năm 2016, mặc dù còn gặp không ít thách thức,… nhưng với tinh thần “khởi nghiệp”, nền kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn,… của Việt Nam ổn định; người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, luôn hồ hởi, phấn khởi, hăng say lao đông, sản xuất làm giàu cho mình, gia đình và xã hội, v.v. Vì vậy, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP: 6,21%; dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ đô-la, vốn FDI cao nhất từ trước tới nay; hơn 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn trên 891 nghìn tỷ đồng; thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng cao, v.v. Đó là bức tranh cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản của Việt Nam - một bức tranh tươi sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư và được các nước, nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới công nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nhìn thấy, đang chung sức, chung lòng, quyết tâm vợt qua khó khăn, thách thức. Chỉ những người mang định kiến, trong đó có Bùi Tín mới nhìn nhận thiếu khách quan, nhận xét hồ đồ mà thôi./.