Aug 12, 2022

RFA lại diễn trò “bóp méo, đánh tráo” bản chất

Tre Việt – Ngày 01/8 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Lợi dụng vào đó, ngày 10/8, Đài Á Châu Tự do (RFA), đăng bài “19 hành vi cần phòng, chống đối với đảng viên: bổn cũ soạn lại”. Họ rêu rao: “Thực chất 19 điều này cũng chẳng có gì mới... đảng viên đã có 19 điều cấm làm, có nghị quyết của Đảng, có Điều lệ Đảng... nên 19 điều cấm này là chồng chéo”. Đây là luận điệu xuyên tạc để cố tình bóp méo, đánh tráo bản chất các vấn đề liên quan đến Hướng dẫn này.

        Theo Tre Việt, việc Hướng dẫn nêu 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống là cần thiết. Bởi vì, cần phải nêu rõ những nội dung cụ thể để mọi cán bộ, đảng viên biết mà phòng tránh. Cụ thể là:  lợi dụng việc cưới, việc tang... để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình; nói, viết, thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc.
        Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác,... cũng là hành vi tiêu cực.
        Hành vi tiêu cực còn là lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi; cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi tòa án ra phán quyết.
      Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng hướng dẫn nhận diện tiêu cực qua các biểu hiện, như: người tư duy nhiệm kỳ, cơ hội, vụ lợi, lạm quyền, lộng quyền, chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể; bao che tham nhũng, tiêu cực; chạy chức, chạy quyền; kê khai tài sản không trung thực; nhập quốc tịch nước ngoài; tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc rửa tiền, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài; mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.
       Cùng với đó, Hướng dẫn số 25 tập trung làm rõ một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương; phạm vi, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tiêu cực, như:
        Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ, chức danh tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng và tương đương.
        Các vụ việc tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên tuy không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, nhưng hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội; có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng do Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý.
        Ban Nội chính Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tiêu cực do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao.
Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương cũng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác, dư luận xã hội quan tâm mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau hoặc các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Nội chính Trung ương thấy cần thiết phải theo dõi, đôn đốc.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm do Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đề nghị tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Các vụ án, vụ việc tiêu cực khác dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương còn có quan điểm khác nhau; các vụ án tiêu cực đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, dư luận xã hội quan tâm cũng sẽ do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, chỉ đạo xử lý.
          Như vậy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Hướng dẫn số 25 là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sao RFA phải xuyên tạc./.