Jun 12, 2020

Bản Phúc trình thiếu khách quan, thông tin sai lệch



Tre Việt – Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản Báo cáo Phúc trình thường niên năm 2019 về tự do tôn giáo. Ngày 11/6/2020, kênh VOA tiếng Việt có bài viết: “Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các nhóm tôn giáo chưa được công nhận”. Trong bài viết đã trích dẫn, nêu lên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam từ Bản Phúc trình. Điều này, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao đang phát triển tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Bởi, những thông tin trong Bản Phúc trình đã không phản ánh đúng thực tế tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này, được thể hiện rõ trong Hiến pháp, pháp luật của nước ta và được thực thi trên thực tế. Gần đây nhất, Việt nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 200 nghìn chức sắc, chức việc tôn giáo, có khoảng 26 triệu tín đồ và 29 nghìn cơ sở thờ tự đang hoạt động bình thường trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam cũng đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện hoạt động tôn giáo lớn của thế giới, như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (2017), Đại Lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak (2019),... được các tổ chức tôn giáo quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thực tế là vậy, song Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại chỉ dựa vào những thông tin một chiều, không có cơ sở, thiếu khách quan, sai lệch từ phản ánh, báo cáo của một số cá nhân, nhóm, tổ chức tôn giáo không chính thống, chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Chính trong Bản Phúc trình đã thừa nhận vấn đề này: “các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không được chính thức công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký”. Vì thế, không thể coi những thông tin, báo cáo phản ánh của họ đại diện cho bất cứ tôn giáo hay hoạt động tôn giáo nào ở Việt Nam. Thậm chí những cá nhân, nhóm, tổ chức này còn núp bóng, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để có những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, như: tuyên truyền, xúi giục, lôi kéo, kích động biểu tình, có các hoạt động lật đổ chế độ xã hội, chống phá Nhà nước. Và đương nhiên, khi họ vi phạm pháp luật thì sẽ bị các cơ quan thực thi pháp luật điều tra, xét xử, xử lý nghiêm minh là điều hoàn toàn bình thường, không chỉ riêng ở Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều như vậy.
Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ dựa trên những thông tin thiếu khách quan, sai lệch để quy chụp, đánh giá tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam là điều đáng tiếc, cần bị phê phán và không thể tái diễn trong thời gian tới./.