Jun 14, 2017

Bịa đặt


Tre Việt - Thời gian vừa qua, Huỳnh Quốc Huy live stream đưa tin sai sự thật về vấn đề nợ nước ngoài của Việt Nam. Theo lời hắn, từ năm 2017 và những năm tiếp theo, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài với số tiền rất lớn, riêng tiền lãi phải trả là 40 tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, nếu tính cả gốc và lãi thì vào tháng 7-2017, trả nợ 100 tỷ USD; tháng 01-2018 trả tiếp 100 tỷ USD; đến tháng 7-2018 phải trả tiếp 100 tỷ USD, đây là dấu mốc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế nước ta do hết tiền; nếu Việt Nam khéo đảo nợ thì vào tháng 01-2019 lại phải trả 100 tỷ USD nữa, đây chắc chắn cũng là thời điểm chính quyền bỏ dân mà chạy vì không lấy đâu ra tiền để thanh toán nợ. Luận điệu bịa đặt của Huy sẽ gây hoang mang sâu sắc trong nhân dân, tạo nên tâm lý rút tiền đồng để trữ vàng và USD, sẽ làm rối loạn nền kinh tế. Vậy đâu là sự thật? Theo các nguồn tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Bộ Tài chính Việt Nam thì:
Đến cuối năm 2016, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam là 77,16 tỷ USD, trong đó nợ dài hạn là 83% tỷ USD, nợ ngắn hạn là 17%. Tháng 5-2017, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch vay thêm khoảng 4,5 tỷ USD khiến dư nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm nay vào khoảng 81,66 tỷ USD. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế năm 2017 thì tỷ lệ vay nước ngoài của Việt Nam vẫn dao động ở ngưỡng 40% GDP (tỷ lệ này giữ vững trong gần 10 năm qua). Tuy nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế là rất lớn, nhưng với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ vẫn khống chế các khoản vay nước ngoài trong giới hạn an toàn là dưới 50% GDP.
Về vấn đề trả nợ, tại buổi họp báo chuyên đề ngày 25-10-2016, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Quản lý Nợ cho biết, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước chi khoảng một tỷ USD trả nợ nước ngoài (cả gốc và lãi). Tuy vậy, từ tháng 7-2017, do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên có thể WB sẽ đưa nước ta khỏi diện được vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế. Khi đó, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn.

Tuy nhiên, nhằm quản lý nợ công và các khoản vay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần, trong đó bội chi ngân sách nhà nước các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là khoảng 5,4% GDP, 3,38% GDP và 3,3% GDP.


Như vậy, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến hết năm 2017 chưa vượt qua 100 tỷ USD, khoản trả nợ hàng năm chỉ trên một tỷ USD. Lời nói của Huy là hoàn toàn bịa đặt, lừa đảo nhân dân. Mặt khác, những hành động thực tế của Chính phủ cho thấy, kinh tế nước ta tiếp tục phát triển cao và bền vững, nợ nần được kiểm soát chặt chẽ, kinh tế vĩ mô ổn định lâu dài, an sinh xã hội luôn được bảo đảm, nhân dân ta hoàn toàn yên tâm và tin tưởng là sự điều hành của Chính phủ./.