May 27, 2020

Sao dễ thay đổi?



Tre Việt - Ông C. gần nhà tôi bảo: Chú cần thông tin gì cứ đi bộ với các cụ hưu chúng tôi sẽ nghe được mọi chuyện, chả phải đi đâu xa. Nghe có lý. Chiều ấy, tôi tham gia đi bộ cùng các cụ, vừa đi bộ vừa nói chuyện rôm rả. Đủ thứ chuyện từ nhà ra thế giới, có tất. Từ chuyện ông hàng xóm thả rông gia súc gây mất vệ sinh, tay Y. trông to khỏe thế mà mới bị bệnh đái tháo đường, chuyện sắp tới đại hội đảng ông này nghỉ ông kia lên thay, v.v. Khi nói đến chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tấm gương hiến đất làm đường giao thông của ông M ở tỉnh X, ông B. lên tiếng các ông ạ: từ khi thực hiện Chỉ thị 03 rồi đến Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Bầu không khí xã hội trong lành hơn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên. Nó được biểu hiện bằng việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc, trong đời sống thường ngày; đặc biệt việc phòng, chống tham nhũng cũng vì thế giảm đáng kể, ai cũng  mừng.
Ông B. vừa dứt lời thì ông T. lên tiếng: các ông lại nói theo báo cáo rồi, thực tế còn lâu mới được như thế. Hồi còn công tác tôi biết, hầu hết là làm hình thức, chiếu lệ, cán bộ, đảng viên nào hằng năm chả đăng ký học tập và làm theo Bác, nhưng đăng ký xong cất trong ngăn tủ; rồi thì hằng tháng tại buổi sinh hoạt chi bộ, đảng viên tự đánh giá làm được gì, chưa làm được gì nhưng thử hỏi nơi nào làm được như thế, các ông chỉ cho tôi xem! Nói cho hay thôi. Nói thật nhá, ngày còn công tác tôi cũng thế, không thế cấp trên kiểm điểm, dại gì. Tình trạng tham nhũng, lãng phí càng chống càng phát triển mạnh, lãnh đạo to ăn to, lãnh đạo bé ăn bé. Cơ chế này không chống được đâu.
Nghe tới đây, ông H. lên tiếng: anh nói cũng có phần đúng. Tôi cũng nghĩ rằng còn có nơi làm chưa tốt, còn có cán bộ, đảng viên chưa xem việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Nhưng phải khẳng định rằng, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là có hiệu quả rõ rệt trong Đảng, trong xã hội. Những điều như ông nói chỉ là số ít. Còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, Đảng ta đã làm quyết liệt, không có vùng cấm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “lò đang nóng, củi tươi cũng cháy”. Bằng chứng là hàng loạt lãnh đạo cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý bằng pháp luật. Vậy nên, không vì một vài nơi thực hiện chưa tốt mà lại “vơ đũa cả nắm” ông ạ!.
Ông P. thêm vào: trước đây, tôi đã được nghe ông phát biểu tại nhiều hội nghị về học và làm theo Bác, nhiều người khen hay và có sức thuyết phục lắm. Soi vào, tôi cũng thấy ngày ấy ông nói đúng thực tế đang diễn ra. Về tình hình tham nhũng, cũng chính ông đưa ra bao nhiêu dẫn chứng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Thế mà giờ ông mất niềm tin, đã thế nói giọng tiêu cực, ngược lại hoàn toàn khi đang công tác. Tôi chỉ là đảng viên thường, chả có chức sắc gì, nhưng tôi nghĩ, dù chúng ta nghỉ hưu rồi, trách nhiệm của đảng viên với Đảng, với Nhân dân thì không thể thay đổi, nếu không muốn nói là phải gương mẫu để quần chúng học tập, noi theo, sao có thể tùy tiện nói thế nào cũng được, nhất là vấn đề mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Thử hỏi quần chúng nghe được họ sẽ nghĩ như thế nào về chúng ta? Họ sẽ mất niềm tin vào cán bộ, đảng viên, nguy hại hơn là mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Vì thế, dù nghỉ hưu thì chúng ta vẫn phải chuẩn mực từ lời nói đến hành động phải không ông?
Kết thúc buổi đi bộ cùng các cụ hưu, trong tôi nỗi buồn, niềm vui đan xen. Buồn vì có những cán bộ, đảng viên khi còn đương chức nói một đằng, khi nghỉ hưu lại nói nẻo khác. Đó chính là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Vui, bởi vẫn còn nhiều đảng viên dám thẳng thắn đấu tranh với những quan điểm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc ngay với những người bên cạnh mình chứ chẳng phải đâu xa./.

May 15, 2020

Cán bộ tốt hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào quá trình tự rèn luyện của bản thân



Tre Việt - Nhân sự kiện ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra hầu tòa, trên VOA tiếng việt, Trân Văn cho rằng, cán bộ xấu - tất cả đều là do công tác cán bộ của Đảng (!). Rồi đặt vấn đề: Khi cán bộ vi phạm thì sai ở cán bộ hay công tác cán bộ? Trả lời câu hỏi này, Tre Việt có mấy ý thế này.
Bác Hồ nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”, điều này đúng cho mọi thời đại, mọi tổ chức, quốc gia. Vậy, làm thế nào để có cán bộ tốt đã và đang là vấn đề trăn trở của bất kỳ hệ thống chính trị, kinh tế nào trên thế giới. Trong lĩnh vực này, chúng ta cần phân định rõ 2 vấn đề là: cán bộ tốt và chọn được cán bộ tốt. Chọn được cán bộ tốt là quá trình tìm nhân sự đủ điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí theo yêu cầu công việc. Đây là một quá trình dài và phức tạp, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trọng tâm là quy trình công tác cán bộ và chất lượng tổ chức thực hiện quy trình này. Cán bộ tốt là những người hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ được giao (đúng theo bảng mô tả công việc) và phải có đủ những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư”. Do đó, có thể khẳng định rằng:
Một là, cho tới nay, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước là hết sức chặt chẽ, khoa học. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, làm cơ sở để chọn được những cán bộ tốt mang lại hạnh phúc, no ấm cho Nhân dân. Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có hàng trăm nghị quyết, quy định, luật, thông tư về công tác này, như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017, Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017, Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018, Quyết định 179-QĐ/TW ngày 25/2/2019… của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác cán bộ; Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Mới đây là Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp cao và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, v.v. Để tổ chức thực hiện chính xác và hiệu quả, quy trình công tác cán bộ được chia thành các khâu gồm: 1- đánh giá; 2- quy hoạch; 3- đào tạo, bồi dưỡng; 4- luân chuyển, điều động; 5- bố trí, sử dụng (bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bầu cử, giới thiệu ứng cử, chỉ định, phân công phụ trách, miễn nhiệm...); 6- quản lý; 7- khen thưởng, kỷ luật cán bộ; 8- thực hiện chính sách đãi ngộ; 9- kiểm tra, giám sát;10- bảo vệ chính trị nội bộ;11- giải quyết khiếu nại, tố cáo về cán bộ; 12- kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác cán bộ.
Hai là, chọn nhầm cán bộ là do chất lượng tổ chức thực hiện quy trình. Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau; nếu một khâu nào đó thực hiện chưa tốt, không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác và kết quả chung của công tác cán bộ. Trong 12 khâu trên, các khâu 1, 2, 4 ,5 rất nhạy cảm, rất dễ bị tác động, làm sai, diễn giải theo ý kiến chủ quan của một số ít người làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển chọn. Xét về những tồn tại ở 4 khâu nhạy cảm, trước hết, việc đánh giá cán bộ đòi hỏi cái nhìn toàn diện, lâu dài, song người đánh giá không có điền kiện đó; người được đánh giá thường cố tạo hình ảnh tốt hơn thực tế, dễ gây hiểu lầm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín” là vì thế. Quy hoạch cán bộ bị chi phối bởi tâm lý “tất cả cùng thắng”, nhiều khi thấy việc quy hoạch là dài hạn, quy hoạch còn có sự rà soát hằng năm, muốn việc quy hoạch phải “mở”,… nên tiến hành khá dễ dãi, thiếu chặt chẽ. Điều động, luân chuyển cán bộ rất thuận lợi cho việc bố trí, bổ nhiệm và sử dụng ở vị trí cao hơn; đồng thời, cán bộ được điều động, luân chuyển sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cán bộ khác trong việc xem xét bổ nhiệm vào cùng một ví trí quy hoạch nên dễ bị lợi dụng và tác động. Cuối cùng, việc bố trí, sử dụng cán bộ có tính chất quyết định nhất của việc chạy chức, đây là  đích đến của quá trình mua chức, là khâu đem lại nguồn lợi bất chính lớn nhất cho những người làm công tác cán bộ; do đó, là khâu có tính phức tạp cao, bị công phá mạnh. Những tồn tại đó cho thấy sự cam go, đấu tranh khốc liệt trong tổ chức thực hiện công tác cán bộ.
Ba là, cán bộ tốt hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào quá trình tự rèn luyện của bản thân. Vì việc tìm người, giả sử đã chọn đúng người thì họ có trở thành cán bộ tốt hay không lại phụ thuộc phần lớn vào bản thân người đó. Có người cố gắng rèn luyện vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; có người bị chính “cái ghế” của mình làm hại, tự diễn biến, tự chuyển hóa để trở thành người xấu, rơi vào vòng lao lý. Những cán bộ tiền khởi nghĩa, trong cách mạng là những tấm gương tiêu biểu về cán bộ tốt, mặc dù việc tuyển chọn hết sức thô sơ, đơn giản; những cán bộ vi phạm kỷ luật trong thời kỳ đổi mới cho thấy, họ trải qua quá trình tuyển chọn ngặt nghèo nhưng vẫn bị tha hóa, hư hỏng. Họ đã bị “cái ghế” của mình làm hỏng. Do đó, Đảng ta đã ban hành và triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực.
Quy trình là cứng, là tĩnh người thực hiện là mềm, là động; xấu tốt phần lớn là ở bản thân con người. Không thể nói: cán bộ xấu là do công tác cán bộ./.

May 13, 2020

Đòi tam quyền phân lập – Mục tiêu là gì?

Tre Việt - Từ sự kiện giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Luật sư Nguyễn Văn Đài, đang sống ở Đức, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 06/5/2020: “Có tam quyền phân lập, có tư pháp độc lập mới mong giảm hay chấm dứt được các vụ án xét xử oan sai ở Việt Nam”. Quan điểm này không phù hợp.
Thứ nhất, mô hình tam quyền phân lập không phù hợp với Việt Nam. Lịch sử cho thấy, ở bất kỳ quốc gia nào, quyền lực của Nhà nước là hành pháp, lập pháp, tư pháp thường được phân chia cho 3 cơ quan nắm giữ. Các cơ quan này thường hoạt động theo mô hình được nhắc đến nhiều là: tam quyền phân lập. Tuy nhiên, sự độc lập chỉ là tương đối; trên thực tế, không tồn tại nhà nước nào hoàn toàn phân lập quyền lực; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thường chồng lấn lên nhau, có quan hệ chồng chéo phức tạp, có sự mâu thuẫn, cạnh tranh, không tách rời. Hiện nay, trong tổ chức bộ máy nhà nước, nguyên tắc phân quyền được áp dụng ở các nước không hoàn toàn giống nhau. Những nước theo chế độ cộng hòa tổng thống thường áp dụng triệt để nguyên tắc phân quyền theo quan điểm của tam quyền phân lập. Trong khi đó các nước theo chính thể cộng hòa đại nghị hoặc quân chủ đại nghị thường áp dụng nguyên tắc phân quyền mềm dẻo hơn.
Ở Việt Nam, Điều 2, Hiến pháp 2013 chỉ rõ quyền lực Nhà nước là thống nhất, thuộc về Nhân dân. Do đó, về nguyên tắc,quyền lực này không chia sẻ cho cá nhân hay tổ chức nào khác. Về bản chất, các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của Nhân dân giao phó, ủy quyền. Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có mục đích duy nhất là phục vụ Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Điều 69, Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Như vậy, về bản chất quyền lực của Nhân dân không thể phân chia. Nhà nước Việt Nam không cần tới mô hình tam quyền phân lập bởi sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vì mục tiêu phục vụ Nhân dân được bảo đảm và thực hiện tốt.
Theo Điều 4, Hiến pháp 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Do đó, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội chính là thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân giao phó; đồng thời là cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình hoạt động của các cơ quan thi hành quyền lực nhà nước.
Hai là, án oan, sai không phải xuất phát từ việc không có tam quyền phân lập. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, xét xử các vụ án là vô cùng phức tạp phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, văn hóa, xã hội, điều kiện lịch sử các quốc gia, dân tộc,… và sự phát triển của kỹ thuật hình sự. Do đó, chỉ cần tìm trên internet, chúng ta thấy trên thế giới đầy rẫy những vụ án thực hiện không đúng người, đúng tội. Tất cả các nước đều cố gắng phát triển, cải cách tư pháp để giảm thiểu những oan, sai trong quá trình làm án. Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 và Kết luận số 92-KL/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Vụ án Hồ Duy Hải trải qua 12 năm là do những tình tiết phức tạp của nó, nhưng trên hết vẫn là sự thận trọng của các cơ quan tư pháp, là trách nhiệm của Chủ tịch nước, Quốc hội và các cấp thực hiện đối với tính mạng một con người, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta.
Đòi tam quyền phân lập chỉ là cái cớ để loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam, không phải vì Nhân dân./.

Vạch mặt thói hàm hồ


                                             
Tre Việt - Một trong những nội dung chính của Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII đang diễn ra là bàn và quyết định về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sắp tới. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch đã đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, xuyên tạc trên mạng xã hội. Chúng cho rằng: Đảng, Nhà nước ưu tiên công tác chuẩn bị Đại hội Đảng XIII hơn so với vấn đề chủ quyền Biển Đông và dịch bệnh trong nước. Đây là thói ăn nói hàm hồ, kích động, chia rẽ nội bộ của các thế lực thù địch, cần phải vạch mặt, lên án, bác bỏ.
Có thể thấy rằng, công tác chuẩn bị nhân sự cho mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc làm hệ trọng cần được chuẩn bị, tiến hành kỹ lưỡng, chu đáo từ trước, nhằm lựa chọn đúng những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đức, tài, có tâm, có tầm,… để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới - những người sẽ giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương. Đây là việc làm rất cần thiết, hoàn toàn bình thường và phải được chuẩn bị trước khi diễn ra mỗi kỳ đại hội hay cuộc bầu cử. Vấn đề này không những chỉ diễn ra ở Việt Nam mà với bất cứ đảng phái, quốc gia nào đều phải tiến hành như vậy.
Xuất phát từ thực trạng một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng phải xem xét xử lý, thì việc lựa chọn, giới thiệu khách quan, chính xác những cán bộ có đủ đức, tài, phẩm chất, năng lực, trình độ để đưa ra đại hội bầu là việc làm rất quan trọng. Việc làm này đòi hỏi phải rất cẩn thận, giống như việc “đãi cát tìm vàng”, nó liên quan đến sự tồn tại, phát triển của Đảng, đất nước, chế độ; đến việc hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, v.v.
Đối với vấn đề chủ quyền Biển Đông, chúng ta không thể nóng vội, giải quyết trong một sớm, một chiều, mà cần phải bình tĩnh, khôn khéo trong giải quyết dựa trên bằng chứng, cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, để vừa bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, vừa giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên thực tế, những năm qua, Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang chưa bao giờ chủ quan, lơ là trong bảo vệ Tổ quốc, kể cả trên Biển Đông.
Còn với công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế. Theo số liệu mới nhất, đến nay, Việt Nam đã có 26 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, tỷ lệ chữa khỏi các ca nhiễm đạt trên 86%. Mặc dù, Đảng, Nhà nước đã nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, từng bước đưa nền kinh tế, đời sống, xã hội dần trở lại bình thường, song vẫn không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Việt Nam đang trở thành điểm sáng, mô hình điển hình trong phòng, chống đại dịch Covi-19 được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Vì thế, việc các thế lực thù địch cho rằng: Đảng, Nhà nước ta ưu tiên công tác chuẩn bị Đại hội Đảng XIII hơn so với vấn đề chủ quyền Biển Đông và dịch bệnh trong nước là hoàn toàn phi lý, không có căn cứ. Thói ăn nói hàm hồ của chúng phải bị vạch trần, phơi bày, lên án. Bởi, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn hành động đúng đắn, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc./.

May 9, 2020

Lại võ đoán



Tre Việt - Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi đến ngày Chiến thắng 30/4 là trên mạng xã hội lại có những ý kiến khác nhau. Năm nay, điều đó không phải ngoại lệ. Mới đây, có ý kiến cho rằng, vì miền Bắc xâm lược miền Nam nên mới có sự kiện ngày 30/4/1975. Điều đó chỉ thống nhất được đất nước mà không thống nhất được lòng người. Vậy nên, mới có tình trạng thuyền nhân - một số người bỏ nước ra đi để đến nước khác bằng đường biển - của những năm sau năm 1975. Nói vậy là võ đoán.
Thống nhất đất nước là nguyện vọng chung của cả dân tộc Việt Nam, không phải của riêng người dân miền Bắc mà cả người dân miền Nam. Đúng như Tố Hữu viết: “Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi/ Một thân không thể chia đôi”. Điều đó cho thấy, quyết tâm thống nhất đất nước là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam. Cho nên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu chỉ có sự tấn công của các binh đoàn chủ lực mà không có sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, sự nổi dậy của đồng bào ở các vùng địch tạm chiếm thì khó mà giành được thắng lợi. Khắp nơi ở miền Nam đều có sự nổi dậy của quần chúng nhằm chống lại ách áp bức của chủ nghĩa thực dân mới, điển hình là phong trào đồng khởi của đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre những năm 1960. Không chỉ có sự nổi dậy, mà chính đồng bào miền Nam còn giúp sức để các đơn vị chủ lực có điều kiện thuận lợi nhất tăng sức mạnh tấn công. Do có sự kết hợp giữa tiến công của các đơn vị chủ lực với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân mà mùa Xuân 1975 quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước, thỏa ước mong của con dân đất Việt. Nhờ huy động được sức mạnh của miền Bắc và sức mạnh nổi dậy của đồng bào miền Nam nên chúng ta đã tạo nên sức mạnh vượt trội giành chiến thắng trong chiến tranh theo quy luật: mạnh được yếu thua là có sự kết hợp ấy. Vì vậy, không thể nói miền Bắc xâm lược miền Nam, mà thống nhất đất nước là mong ước của muôn người ở khắp các vùng miền của đất nước, do là mong ước của mọi người, nên không chỉ thống nhất đất nước mà đã thỏa ước mong của mọi người nên đã thống nhất được lòng người.
Vấn đề đặt ra là thống nhất được lòng người thì làm sao lại có tình trạng “thuyền nhân” của những năm sau 1975? Có tình trạng “thuyền nhân” do nhiều nguyên nhân; trong đó, phải kể đến nước nào sau chiến tranh cũng gặp không ít khó khăn, phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh thêm vào đó là công tác tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc của bên thua cuộc làm cho một số người ít nhiều có dính dáng đến bên thua cuộc, nhẹ dạ cả tin nghe theo lời tuyên tuyên của bên thua cuộc, nên đã tìm đến miền đất hứa. Vì thế, họ tìm cách vượt biên trái phép bằng đường biển trên các tàu thuyền nhỏ đầy nguy hiểm đến tín mạng. Theo lẽ thông thường thì: “Con không chê cha mẹ khó/ Chó không chê chủ nghèo”. Thế mà, một số người không theo lẽ thông thường đó, họ vẫn cố tình tìm cách vượt biên, tạo nên cái gọi là “thuyền nhân” là sao? Ngày nay, người Việt ở nước ngoài, mỗi khi khó khăn đều tìm về đất mẹ Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, thể theo nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, có ai “bỏ” nước để đến nước khác đâu. Mặc dù, nhiều người đang sinh sống, học tập, công tác ở những nước mà trước đây những người tạo ra cái gọi là “thuyền nhân” cho đó là miền đất hứa, người ta vẫn thiết tha về với đất mẹ Việt Nam đấy thôi. Thế mà họ lại nói sự kiện 30/4/1975 chỉ thống nhất được đất nước mà không thống nhất được lòng người là sao? Hiện tượng “thuyền nhân” chỉ là nhất thời, xảy ra trong một thời điểm nhất định. Nên không vì thế mà quy là sự kiện 30/4/1975 chỉ thống nhất đất nước, không thống nhất được lòng người. Bởi đó là cách nói võ đoán./.  

May 7, 2020

Một hành động đúng đắn


         Tre Việt - Ngày 05-5-2020, Đài Châu Á tự do (RFA) đăng bài than rằng: “Facebook lại giới hạn truy cập nội dung của Đài Á Châu Tự Do tại Việt Nam!”, với nội dung chủ yếu là “oán trách” khi cho rằng, việc làm này của Facebook sẽ làm tổn hại đến “lợi ích của người dân và của chính tập đoàn này”(!).
          Việc Facebook giới hạn truy cập nội dung của Đài Á Châu Tự Do tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện rõ việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và chính Facebook. Đồng thời đưa đến bạn đọc một mạng xã hội “sạch”, không bị nhiễm bẩn. Thế chẳng cần thiết lắm sao?
          Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, được điều hành, quản lý bằng Hiến pháp và pháp luật. Mọi tổ chức, công dân Việt Nam hay hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” và nếu như vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Đây cũng chính là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, công dân Việt Nam hay hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Facebook.
          Thực tế cho thấy, quyền tự do thông tin trên internet, mạng xã hội của mọi tổ chức, cá nhân ở Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và trên thực tế. Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 2017, Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng,… gần đây nhất là Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nhằm bảo vệ quyền, lợi ích tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về an ninh mạng để học tập, tiếp thu công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, v.v. Các cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân được sử dụng internet, mạng xã hội, đảm bảo đúng quy định pháp luật, thực sự “ích nước, lợi nhà”; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Facebook… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia nước ta, cam kết chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Đến nay, Facebook đã trở thành mạng xã hội được người Việt Nam ưa thích sử dụng, trở thành nơi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ, gắn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của tổ chức, cá nhân trong mọi công việc trên mọi miền đất nước và thế giới. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã mang lại lợi ích to lớn cho Facebook.
          RFA thực chất là một cơ quan báo chí (phát thanh 09 thứ tiếng qua làn sóng ngắn và internet đến các nước Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Campuchia, Việt Nam, Triều Tiên) được tài trợ và hoạt động phục vụ cho những tổ chức, cá nhân chống cộng cực đoan. Hằng ngày, trên RFA đầy rẫy những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách và pháp luật của Nhà nước; việc bảo đảm nhân quyền, v.v. Lợi dụng tiện ích của Facebook và tâm lý ưa thích sử dụng mạng xã hội này của người Việt, RFA thường xuyên đưa các thông tin lên Facebook. Hành động này là vi phạm pháp luật Việt Nam nhất thiết phải ngăn chặn, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Facebook sinh sống, hoạt động ở Việt Nam.
          Như thế, việc Facebook hạn chế các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tiếp cận RFA trên trang mạng của mình là hành động hoàn toàn đúng đắn. Đó chỉ là bước đầu, nếu RFA tiếp tục vi phạm có lẽ Facebook sẽ ngăn chặn vĩnh viễn./.