Dec 28, 2017

Xem lại mình trước khi chê người

Tre Việt - Đồng quan điểm với bài “Ed Royce vu cáo tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, ngang ngược đe dọa mối quan hệ Việt Mỹ”, ngày 25-12-2017 qua địa chỉ: langtreviet@gmail.com bạn Phố Đông gửi tới Tre Việt bài: “Xem lại mình trước khi chê người”. Tre Việt xin cảm ơn bạn Phố Đông, trân trọng giới thiệu với quý độc giả bài viết này.


XEM LẠI MÌNH TRƯỚC KHI CHÊ NGƯỜI
                                                                      Phố Đông

Khi ông nghị Ed Royce “quan ngại” Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nêu: “các hoạt động tôn giáo gây phương hại quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền, trật tự, an toàn xã hội và môi trường” là những “ngôn từ mơ hồ nhằm tiếp tay cho nhà cầm quyền siết chặt kiểm soát, đàn áp tôn giáo”, chắc Ông “quên” Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm1966). Xin nhắc lại để Ông rõ nội dung Công ước nêu: mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự cộng cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Hiến pháp năm 1947 của Cộng hòa I-ta-li-a, tại Điều 8 quy định: “Các tôn giáo khác Công giáo có quyền lập tổ chức theo điều lệ của mình nhưng không được trái với trật tự pháp lý của nhà nước. Quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo đó và nhà nước do luật pháp quy định trên cơ sở thỏa thuận với những cơ quan đại diện cho các tôn giáo đó”. Ở Đức, Điều 9 (Khoản 2) của Hiến pháp nước này đã quy định: hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Ngay ở Mỹ, quê hương “ông nghị Ed Royce”, những hoạt động biểu tình, cầu kinh,... cũng không thể tuỳ tiện tổ chức ở những nơi không được phép. Những tổ chức giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Vậy là, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động, nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác,… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật, như: gần đây nước Pháp đã đóng cửa 4 nhà thờ Hồi giáo cực đoan, nhằm ngăn ngừa những lời nói kích động sự hận thù và bạo lực hoặc thúc đẩy hành động khủng bố, hoặc những hành động làm tổn hại tới lợi ích quốc gia.
Điều này là hoàn toàn đúng đắn và hết sức bình thường đối với tất cả các quốc gia, không chỉ có Việt Nam. Như vậy, những giới hạn về tự do tôn giáo trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam trên thực tế là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người.
Vậy, thử hỏi căn cứ vào đâu để ông nghị Ed Royce nói rằng: những ngôn từ trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là mơ hồ nhằm tiếp tay cho nhà cầm quyền siết chặt kiểm soát, đàn áp tôn giáo? Việc làm đó của Ông là sai trái, có mục đích xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam
 Tiện đây, xin nói cho ông nghị Ed Royce biết một câu ngạn ngữ của Việt Nam chúng tôi: xem lại mình trước khi chê người! 
Ông nên nhớ: mọi tổ chức tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam cần phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, cho dù đó là thứ tôn giáo nội sinh hay ngoại nhập. Người dân cần đến sự ổn định để phát triển kinh tế, xã hội, cần pháp luật được thực thi nghiêm túc; không bao giờ đồng lõa, che đậy, dung thứ cho những hành vi sai trái đi ngược lại mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sự thật là chân lý! Những điều xuyên tạc, bịa đặt mang đầy tính định kiến, áp đặt về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam của ông nghị Ed Royce không chỉ là lỗi thời mà nó còn đi ngược lại tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, làm cản trở mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ./.