Tre Việt - Sau
một thời gian dài chuẩn bị công phu, lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân
vào bản Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 và tiếp thu với tinh thần thẳng
thắn, trân trọng; tại phiên làm việc buổi sáng 28-11 vừa qua, Kỳ họp thứ sáu,
Quốc hội khóa XIII đã có một quyết định quan trọng mang tính lịch sử: biểu
quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sửa
đổi), với 486 đại biểu, tương đương 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Điều đó cho thấy, đạo luật gốc của đất nước đã được thông qua với sự nhất trí
và đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội thể hiện rõ sự hòa hợp giữa ý
Đảng với lòng dân.
Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nước trong
năm 2013, đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của
đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được phổ biến,
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý
bằng nhiều hình thức thích hợp. Đặc biệt, Dự thảo đã được chuyển đến từng hộ
gia đình, đến công nhân, học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng,
đến các tổ viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể xã hội. Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp cũng đã được gửi xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của
Ðảng, Nhà nước. Vì vậy, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ
chức. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổng hợp đầy đủ, kịp thời,
khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân đưa vào bản Dự thảo Hiến pháp để
thông qua Quốc hội. Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định:
Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thực sự là đợt
sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và
cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham
gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp
ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận
thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây
dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Trên các trang mạng mấy ngày qua, có những ý
kiến khác nhau về sự kiện trọng đại này. Đa số các ý kiến đều cho rằng, bản
Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của
nhân dân. Bên cạnh đó, có một vài ý kiến thể hiện sự hằn học, bức bối trước
việc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp sửa đổi của những kẻ bất mãn, bất đồng,…
luôn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Điều đó lại càng
chứng tỏ bản Hiến pháp đã là nơi hội tụ ý Đảng lòng dân, nó sẽ là cơ sở pháp lý
quan trọng để nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.