Mar 4, 2022

Vẫn là cái nhìn phiến diện về nhân quyền Việt Nam

           Tre Việt - Lợi dụng sự kiện Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có bài phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 03/3, kênh VOA tiếng Việt đăng bài “Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việt Nam “bảo đảm” toàn bộ nhân quyền cho toàn dân”. Trong bài viết, VOA đã đưa thông tin giới hoạt động nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích bài phát biểu và cho rằng: tình hình vi phạm nhân quyền của nước này (Việt Nam) “rất nghiêm trọng” hay “Chính phủ Việt Nam luôn rêu rao là bảo đảm quyền con người nhưng trong thực tế thì hạn chế nhiều quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là các quyền như tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo và niềm tin”. Đây vẫn là những đánh giá phiến diện, thậm chí vu khống trắng trợn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cần lên án, bác bỏ.

Cần khẳng định rõ: quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển. Chính vì thế, Việt Nam luôn phấn đấu mang lại cho nhân dân những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng chính là những giá trị mà Liên hợp quốc cam kết mang lại cho nhân loại. Nhất quán với quan điểm của mình, trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nỗ lực bảo đảm tốt nhất các quyền con người, quyền công dân. Nhờ vậy, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đều được quy định cụ thể và bảo đảm thực thi bằng các văn bản pháp luật hiện hành. Đơn cử như trong hoạt động báo chí, ngôn luận có Luật Báo chí; hoạt động tôn giáo có Luật tín ngưỡng, tôn giáo; lĩnh vực internet, mạng xã hội có Luật An ninh mạng,… đây là hành lang pháp lý để mọi người dân tự do thể hiện biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng theo khuôn khổ pháp luật.

Chính vì được tạo điều kiện thuận lợi nên ở Việt Nam hiện nay có gần 800 cơ quan báo chí đang hoạt động; có hơn 70,3% dân số sử dụng internet, mạng xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và đang hoạt động với sự tham gia của hàng chục triệu tín đồ. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời, khẳng định “bức tranh” về nhân quyền ở Việt Nam rất sáng và sống động, đúng như Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã phát biểu “Việt Nam bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.

Vậy nhưng, những kẻ vốn có thâm thù, ác cảm với chế độ xã hội ở Việt Nam lại luôn có cái nhìn phiến diện, không khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Họ cố tình không chịu nhìn nhận, đánh giá đúng sự thật là: ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm; không có chuyện những công dân chỉ biểu đạt ôn hòa mà bị bắt giam, đi tù. Việc bắt giữ, điều tra, xét xử chỉ xảy ra đối với những công dân vi phạm pháp luật, đã được các cơ quan điều tra thu thập đầy đủ bằng chứng phạm tội. Và hoàn toàn không có chuyện “mỗi năm bỏ tù hàng chục người chỉ vì họ thực hành hoặc cổ súy các quyền trên” như những người đội lốt “hoạt động nhân quyền” vẫn rêu rao, vin cớ để thực hiện dã tâm thâm độc, hòng làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam./.

Cảnh giác trước “cơn bão” tin giả về xung đột Nga - Ukraine trên các nền tảng mạng xã hội

         Trong những ngày qua, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát thành xung đột quân sự, thông tin thời sự về các sự kiện liên quan xuất hiện tràn ngập trên báo chí và các nền tảng số.

Tin giả về tình hình Ukraine
được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội,
sau đó đã được xác định là tin giả mạo

Các thông tin trên nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân đến từ mọi lứa tuổi. Đặc biệt với sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội, thông tin được cập nhật liên tục tới từng phút, từng giây. Tuy nhiên, trong vô vàn những thông tin liên quan tới tình hình xung đột, có rất nhiều thông tin giả mạo, không được kiểm chứng, thậm chí lợi dụng tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine để xuyên tạc, gây chia rẽ.

Khi lướt trên các nền tảng số, như: Youtube, Tiktok hay facebook,… bạn đọc không khó để tìm ra các dòng trạng thái, bình luận hay thông điệp cài cắm liên quan tới tình hình xung đột căng thẳng tại Ukraine. Tuy nhiên, đáng tiếc là rất nhiều thông tin trong đó phần lớn là không được kiểm chứng, thông tin sai sự thật. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, kích động bạo lực, tạo các trào lưu trái chiều, thậm chí là ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Có thể lấy ví dụ gần đây nhất là việc một bức ảnh về một người mẫu nước ngoài mặc quân phục qua những thông tin không được kiểm chứng đã biến thành một nạn nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine nhận được lượt bình luận, thích và chia sẻ lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin này sau đó được xác định là giả mạo.

Từ những hiện tượng trên, bạn đọc phải cảnh giác, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin; nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống, có kiểm chứng, cũng như hạn chế chia sẻ hay lan tỏa các thông tin không nắm rõ được nguồn gốc hay bản chất của vấn đề. Như vậy, chúng ta sẽ góp phần vào hạn chế sự bùng phát của tin giả./.

                                                                (Trích nguồn: qdnd.vn)